Đang tải...
 

Ngôi trường mang tên Trường Kháng chiến

Đó là Trường trung học “Kháng chiến” Nguyễn Chí Diểu ra đời cuối năm 1949 ở tỉnh Thừa Thiên, tại một vùng gọi là “chiến khu đồng bằng”, địa đầu phía Bắc phá Tam Giang thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Ngôi trường nằm giữa làng bốn bề bao vây bởi nhiều đồn bốt quân Pháp. Thật là kỳ lạ, có tính huyền thoại, trong điều kiện như thế mà nó tồn tại 4 năm trời (1949-1953), phát triền, mở thêm một phân hiệu vào năm học sau 1950 - 1951 tạị Mỹ Lợi, xã Mỹ Lộc (nay là Vinh Mỹ - huyện Phú Lộc). Phân hiệu mang tên Trường trung học Lâm Mộng Quang.
Ngôi trường mang tên Trường Kháng chiến
(TTH) - Đó là Trường trung học “Kháng chiến” Nguyễn Chí Diểu ra đời cuối năm 1949 ở tỉnh Thừa Thiên, tại một vùng gọi là “chiến khu đồng bằng”, địa đầu phía Bắc phá Tam Giang thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Ngôi trường nằm giữa làng bốn bề bao vây bởi nhiều đồn bốt quân Pháp. Thật là kỳ lạ, có tính huyền thoại, trong điều kiện như thế mà nó tồn tại 4 năm trời (1949-1953), phát triền, mở thêm một phân hiệu vào năm học sau 1950 - 1951 tạị Mỹ Lợi, xã Mỹ Lộc (nay là Vinh Mỹ - huyện Phú Lộc). Phân hiệu mang tên Trường trung học Lâm Mộng Quang.
Trường có 2 cấp, cấp một (từ lớp 1 đến lớp 4) và cấp hai (từ lớp 5 đến lớp 7), theo hệ thống giáo dục phổ thông mới 10 năm của “Bộ Giáo dục” nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường trực thuộc Nha Giáo dục Liên khu 4, mà Giám đốc là GS Phạm Đình Ái, kiêm Hiệu trưởng Trường Khải Định. Quyết định thành lập một trường học theo tiêu chuẩn quốc gia tại một tỉnh đầu sóng ngọn gió, nơi mà chiến tranh diễn ra ác liệt, quả là một ý tưởng vô cùng táo bạo đầy sáng kiến của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên. Đem hai từ “kháng chiến” ghép vào tên một nhà trường thật là độc đáo, đầy ý nghĩa chính trị. Trong lịch sử kháng chiến, ta không có một trường học nào mang tên Trường Kháng chiến như ở đây.
 
 
Thầy trò cũ ngồi trước Miếu Âm Hồn năm 1979 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường 1949 - 1979
 
Đầu tháng 5 năm 1950, thầy Lê Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường trung học Nguyễn Công Trứ (Collège Vinh) đóng tại xã Khánh Tân, huyện Nam Đàn, Nghệ An, nơi tôi giảng dạy sau khi rời Phòng thí nghiệm số 1 Chu Lễ, Hà Tĩnh, nhận được công điện của Nha Giáo dục Liên Khu 4 do GS Phạm Đình Ái, Giám đốc, ký điều động một số giáo viên của trường đi dự “Trại hè nghiên cứu cải tổ giáo dục” do Bộ Giáo Dục mở tại tỉnh Thanh Hóa trong tháng 6 cho các giáo viên cốt cán của hai Nha Giáo dục Liên Khu IV và Liên Khu III (đồng bằng Sông Hồng, Bắc bộ). Cuối công điện có ghi thêm là “Sau trại hè, ông Thân Trọng Ninh sẽ được điều động vào Thừa Thiên.” Tôi vô cùng ngạc nhiên và phản ứng lúc đầu. Thầy Phương cho biết ở trong đó có Trường “trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu”, có lẽ tôi sẽ về dạy ở đó chăng? Mới nghe tin ai cũng nghĩ rằng tôi sẽ phải đi vào một vùng chiến tranh ác liệt, nhưng bù lại được về gần nhà (?) Lúc bấy giờ mẹ tôi đang ở Huế.
 
Trở về Nghệ An sau một tháng học tập tại trại giáo dục ở Thanh Hóa, tôi nhận được quyết định chính thức điều tôi vào Thừa Thiên dạy cấp 2, bắt đầu từ năm học 1950-1951. Trong danh sách có tên anh Lư Tâm, người Mỹ Lợi trước đây làm tri huyện nay xin di dạy. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Đắc, người Huế mới tốt nghiệp cấp hai, tình nguyện đi vào dạy cấp một…
 
Chúng tôi đến xã Phong Chương vào chiều ngày 23-10. Tôi và Đắc ngồi nghỉ ở quán ngã ba Trung Thạnh. Hỏi đường vào Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu bà con nói chỉ có văn phòng thôi, và ông hiệu trưởng ở đó, tại ngôi nhà thờ họ Trần, cách quán không xa. Khi thấy tôi và Đắc đi vào, anh Nguyễn Lương (tên thật là Tôn Thất Lương) chạy ra đón. Ngoài ra còn có hai anh Nguyễn Kỳ và Phạm Doãn Hân cũng ở đó. Các anh từ Liên Khu 4 vào trước tôi 8-9 tháng gì đó. Thấy tôi ăn mặc kiểu nông dân, áo bà ba và quần vải nâu, mang ba lô tự khâu lấy, có vẻ mệt mỏi do đi bộ quá nhiều, lúc đầu họ rất ngạc nhiên, nhận không ra. Nhưng do được báo tin trước nên nhớ lại, họ tiếp đón thân mật, hỏi han đủ thứ, mời uống coca cola, mỗi người một lon. Anh Lương trẻ, mới 22 tuổi, đẹp trai, người hoàng tộc, lịch thiệp. Anh Nguyễn Kỳ người đạo mạo còn anh Phạm Doãn Hân thì có quan hệ bà con với tôi về phía bên ngoại. Mọi người đều vui mừng về sự có mặt của tôi và Đắc vì không ai tin rằng tôi sẽ chịu vào đây.
 
…Tôi được phân công giảng day hai môn: Pháp văn lớp 7 và Vạn vật học lớp 6. Anh Lư Tâm dạy môn Sử Địa và Công dân lớp 6. Anh Đắc dạy lớp 3. Việc giảng dạy hai ngoại ngữ Anh và Pháp là một điều làm cho GS Phạm Đình Ái hết sức khen ngợi, Nha Giáo dục các Liên khu III, Liên khu V (Quảng Nam trở vào) và Bộ Quốc gia Giáo dục cũng lấy làm ngạc nhiên vì nhiều trường ở vùng an toàn chưa làm được như thế. Ty Giáo dục tỉnh Thừa Thiên thì luôn động viên khuyến khích. Ngoài ra, rất đặc biệt là Trường có Ban Cán sự Đảng, có Hiệu đoàn học sinh. Thầy giáo Nguyễn Kỳ làm bí thư, học sinh Nguyễn Sĩ Ngoạn làm Hiệu đoàn trưởng.
 
Sáng 24-10, tôi bắt đầu tiếp xúc với các giáo viên đồng nghiệp, gặp được 5 - 6 người, rồi nhờ người dẫn đi xem các lớp học, tiếp xúc một số học sinh lớp cuối cấp. (lớp 7) người địa phương. Thầy trò ở rải rác các thôn xóm trong xã, không có sự tập trung vì các lớp học nằm ở nhiều địa điểm khác nhau, lớp này cách lớp kia có khi trên 2-3 trăm mét. Lớp 7 ở miếu Âm hồn thôn Đại Phú, lớp 6 trong thôn Trung Thạnh, lớp 5 trong đình làng của Chính An. Riêng lớp bộ môn có thí nghiệm là một căn nhà nhỏ “lắp ghép” bằng tranh tre nứa lá dựng trên một độn cát trắng gần văn phòng, che phủ bằng đám rừng cây bụi cao quá đầu, gần 5-6 mét bên cạnh các trằm bàu kéo dài luôn đầy nước ngọt trong veo… Tôi nói “lắp ghép” vì các em học sinh lớp lớn có thể tháo dỡ rất nhanh, khiêng đi giấu dưới các lùm cây gần đó khi có tin quân giặc đi càn; khi bọn chúng rút về, các em trở lại dựng nhà như cũ khá nhanh.
 
Hoạt động dạy và học theo lệnh trống đặt tại văn phòng Ban Giám hiệu. Tiếng trống trường nghe khá rõ vào những ngày đẹp trời. Thời khóa biểu bao gồm đầy đủ các môn học cơ bản theo chương trình của Bộ, kể cả các môn ngoại ngữ (Anh và Pháp), nhạc, họa, thể dục. Ban Giám hiệu sắp xếp giờ dạy rất khó vì đến lúc đổi giờ học có khi các thầy cô phải chạy thật nhanh từ lớp này đến lớp khác khá xa mới kịp vào dạy đúng giờ. Phòng học nơi rộng nơi hẹp, bàn ghế thì học sinh phải tự túc, gồm có một tấm bảng nhỏ đủ kê lên cái giá tre đặt vở để ghi chép, ghế chỉ là một thanh tre có 4 chân, cả hai thứ đều có thể gấp lại gọn gàng, để lại ở góc lớp khi các em ra về. Bảng đen thì do các phụ huynh các xã đóng cho.
 
Thầy cô của trường được Nha Giáo dục Liên Khu 4 điều động từ ngoài Bắc vào chủ yếu từ 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Học trò thì từ hai bờ phá Tam Giang đến học. Bờ đông các em đến từ các thôn Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, Kế Môn Đại Lược…, bờ tây có học sinh các thôn Chính An, Đại Phú, Lương Mai, Trung Thạnh, Trạch Phổ, Ưu Điềm, Phò Trạch… Ngoài ra còn có các em ở Quảng Thái, Niêm Phò từ các huyện Quảng Điền, Hương Trà và cả thành phố Huế bị chiếm đóng đến trọ học. Một số em ở các huyện phía nam tỉnh Quảng Trị như Hải Lăng, Triệu Phong cũng có mặt. Số học sinh lên tới gần 200 em cả hai cấp học. Thầy cô giáo thì có trên 10 người. Ở cấp tiểu học, có thầy cô phải dạy ghép 2 lớp vì thiếu giáo viên.
 
Do giặc đi càn liên tục và do trận lụt lớn trong tháng 10 nên ngày khai giảng niên khóa 1950-1951 muộn, cuối tháng 11 năm 1950 mới bắt đầu vào năm học mới. Ngày 28-11, tôi lên lớp giờ đầu tiên, dạy môn tiếng Pháp ở lớp 7 tại miếu Âm hồn. Các em đã học qua một năm rồi nên tiếp thu dễ dàng. Cuối các giờ tôi thường dạy cho các em hát các bài thiếu nhi Pháp như “Frère Jacques” (Anh Jắc ơi!), “Au clair de la lune” (Dưới ánh trăng). Các em hát theo rất hay và thuộc lòng ngay trên lớp. Đây là một điều mới đối với các em. Mấy cháu chăn trâu nghe tiếng hát của học sinh vang xa, chạy ùa lại đứng xung quanh bên ngoài nghe và cùng hát theo. Tôi dạy cho các em học cách hát bè, hát đuổi, hát đơn, hát kép… khiến các em rất thích. Tôi còn được phân công dạy môn Vạn vật học ở lớp 6... Dần dần tôi cảm thầy vui thực sự. Tôi bắt đầu yêu cái trường kỳ lạ này, yêu mến các bạn đồng nghiệp đồng cam cộng khổ, yêu các em học sinh chịu thương chịu khó học tập, quý mến nhân dân đã đùm bọc nhà trường.
 
Thường ngày, cứ đến 8 giờ là tiếng trống trường vang lên báo hiệu ngày học bắt đầu. Có ngày nghe tiếng trống báo động có máy bay địch, học sinh chạy ra giao thông hào đào xung quanh lớp. Tiếng trống nghe vui tai những ngày học thanh bình, nhưng khi có tin giặc đi càn thì tiếng trống đánh liên hồi, báo động cho toàn dân trong xã chuẩn bị đối phó, sơ tán người và đồ đạc hoặc chuẩn bị chiến đấu. Ban giám hiệu nhà trường và Ban chỉ huy dân quân thống nhất cách đánh trống để thầy trò và nhân dân biết hướng chạy tránh giặc. Đội học sinh lớn có nhiệm vụ chạy đến dỡ nhà, cất giấu. Các em nhỏ đang học chạy theo thầy cô rất trật tự. Thường thì chạy lên các độn cát, đào hầm cá nhân nấp dưới gốc cây cối um tùm. Có ngày nghe súng liên thanh, có ngày nghe tiếng động cơ máy bay. Lúc đầu còn sợ, sau quen dần. Cuộc sống mang tính chất ú tim này kéo dài, nhưng việc dạy và học vẫn tiến hành đều đặn. Có thời kỳ phải học ban đêm để bù giờ chạy loạn ban ngày. Cuối năm học học sinh cũng có nghỉ hè nhưng ngắn hơn.
 
Thời gian cứ trôi qua. Trường tồn tại 4 năm trời. Cũng có những đổi thay mất mát, vui buồn xen kẽ, khó khăn chồng chất, nhưng thầy trò Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu không sờn lòng. Sau này, càng ngày chiến sự càng ác liệt, Trường Lâm Mộng Quang sáp nhập với Trường Nguyễn Chí Diểu nhưng đến năm 1953 cấp trên quyết định chuyển tất cả lên chiến khu Dương Hòa phía bắc tỉnh. Nhưng do nảy sinh khó khăn nhiều mặt không khắc phục nổi, cấp trên quyết định giải thể trường, chuyển học sinh ra miền Bắc Liên khu 4, ở đó Nha Giáo dục có mở một trường mới dành cho con em học sinh ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên gọi là “Trường Trung học Bình Trị Thiên” đóng tại Gia Phổ, phía Nam ga Chu Lễ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Các em được Nhà nước nuôi dưỡng, cung cấp mọi thứ để ăn học hết cấp 2, sau đó về học cấp 3 ở Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng tại Châu Phong, huyện Đức Thọ.
 
Năm 1979, sau 30 năm xa cách, thầy trò Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu tổ chức gặp lại nhau ở Huế, hành hương về Phong Chương thăm bà con nhân dân, nơi có ngôi trường cũ năm xưa; thăm ngôi trường mới mang tên Trường cấp 2 Phong Chương. Thành lập “Ban Liên lạc học sinh cũ” và đề nghị mở một trường mới ở Huế mang tên Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Diểu. Anh Lê Văn Khinh, học sinh cũ được cử làm hiệu trưởng. Giờ đây học sinh cũ của trường có người là bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, là những giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú…. Thầy cô của họ cũng chẳng kém. Tình bạn bè, tình thầy trò không chút phai nhạt. Hai chữ “kháng chiến” không còn, nhưng tinh thần và hiện tượng cái tên trường vẫn tồn tại sâu đậm trong con tim khối óc của mọi người có mặt.
 
Cuốn kỷ yếu “Đôi cánh diệu kỳ” ra đời năm 2009 kỷ niệm tuổi 60 của trường trở thành “nhân chứng” vĩnh cửu dành cho các thế hệ con cháu của chúng tôi mai sau. Nó cũng là cầu nối thầy trò chúng tôi. Nền giáo dục của Thừa Thiên năm xưa, của Thừa Thiên Huế ngày nay luôn còn những ngôi sao sáng; sao Hôm, sao Mai… không bao giờ lặn tắt trên bầu trời đầy truyền thống anh hùng.
NSƯT Thân Trọng Ninh
     
Theo Thừa Thiên Huế online

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn