Đang tải...
 

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Cuối cùng thì sau bao năm chờ đợi, nền giáo dục Việt Nam cũng đang rẽ qua một bước ngoặt, mở ra một lối thoát cho những khủng hoảng, bế tắc từng tồn tại hàng mấy chục năm qua. Bước ngoặt đó, lối thoát đó xuất phát từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI với đề án về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO 20/11, THỬ HÌNH DUNG

VAI TRÒ MỚI CỦA NGƯỜI THẦY

TRONG SỰ NGHIỆP

ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC


    Cuối cùng thì sau bao năm chờ đợi, nền giáo dục Việt Nam cũng đang rẽ qua một bước ngoặt, mở ra một lối thoát cho những khủng hoảng, bế tắc từng tồn tại hàng mấy chục năm qua. Bước ngoặt đó, lối thoát đó xuất phát từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI với đề án về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

    Một trong những mục tiêu nổi bật của đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vừa nêu là tạo ra những sản phẩm – con người – mang đậm bản sắc riêng – có thể gọi là con người “tự do”, khai phóng;  thay vì tạo ra những sản phẩm mang tính đồng nhất như một hình mẫu, giống hệt nhau cả về nhận thức lẫn cá tính – có thể gọi là con người “công cụ” - để phục vụ cho một lý tưởng, một mục đích chung nào đó. Từ đây, hệ thống giáo dục, trong đó có các nhà quản lý, các thầy giáo, cô giáo và học trò đều phải được đổi mới theo hướng mở, gắn với thực học, thực nghiệp, và tất nhiên, với một phương thức giáo dục tương thích.

     Trong chiều hướng đó, vai trò của người thầy tất sẽ phải thay đổi. Chúng ta đều biết lâu nay nền giáo dục đào tạo của nước ta chủ yếu là cung cấp kiến thức, trang bị kiến thức cho người học, càng nhiều càng tốt. Người thầy giáo chỉ giữ vai trò truyền thụ. Trong đó, bằng mọi cách, người thầy giúp học sinh phải ghi nhớ những gì mình truyền đạt từ sách giáo khoa. Nói khác, đó là phương pháp giáo dục mang hình thức đọc – chép thậm chí là học thuộc lòng.

     Phương pháp ấy chỉ có thể phù hợp với khối lượng tri thức nhân loại trong quá khứ, vốn còn hạn hẹp và ít thay đổi trong một thời gian dài, nhưng chắc chắn sẽ không thích hợp trong điều kiện tri thức nhân loại ngày nay, vốn không ngừng thay đổi và gia tăng gấp bội cả về khối lượng lẫn “chất lượng”, đặc biệt trong các lĩnh vực về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn. Nguồn tri thức ấy vừa bao la, mênh mông lại vừa sớm lạc hậu, phải thường xuyên cập nhật, khiến không thể có sách giáo khoa và người thầy nào có thể nắm bắt tất thảy và kịp thời.

     Bởi vậy, vai trò của người thầy trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam, mà cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay, thậm chí đã thay đổi từ nhiều thập kỷ qua, không còn là truyền thụ kiến thức nữa, mà tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Tri thức của nhân loại từ nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, sẽ tồn tại như một cuốn từ điển mở, có thể truy tìm bất cứ lúc nào mình muốn mà  không cần phải nhồi nhét vào bộ nhớ hạn hẹp của con người.

    Những cuộc thi thố “tài năng” hoặc thách đố trên truyền hình những năm gần đây với những câu hỏi nặng phần ghi nhớ, chẳng hạn như : nhà bác học X sinh năm nào, đại văn hào Y mất năm nào,…xem ra đã trở thành vô bổ, lạc hậu và không cần thiết phải “dành chỗ” trong bộ nhớ của con người ngày nay. Hãy dành phần đó cho những bộ óc đặc biệt – cỡ như Lê Qúy Đôn – hay tốt hơn là những kho dữ liệu khổng lồ của công nghệ thông tin như đã nói.

     Người thầy, trong vai trò mới chỉ là người hướng dẫn, gợi mở nội dung để người học tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề để có được kiến thức cho mình. Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo đổi mới chương trình của đề án, thì : “Quá trình đó sẽ hình thành năng lực cho người học như khả năng tư duy, khả năng tìm hiểu, thu thập tài liệu, khả năng phân tích, tổng hợp dữ liệu đã có, cách làm việc nhóm, cách trình bày hiểu biết của mình”. Nói cách khác, người thầy chỉ hướng dẫn cho học trò cách học, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, cũng như  vận dụng sự hiểu biết, khả năng tư duy của mình vào xử lý các vấn đề của đời sống.

     Xem như vậy, vai trò mới của người thầy không còn đơn điệu và dễ dàng như trước, là truyền thụ những gì có sẵn trong sách giáo khoa, mà trái lại khá nặng nề, khó khăn hơn – nói như ý của ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên ban chỉ đạo đề án – là do phải  thủ một lúc nhiều vai: “vừa là một nhà sư phạm, vừa là một nhà khoa học, mà cũng vừa là một nghệ sĩ,”…nói chung là phải cần đến tư duy, sáng tạo mạnh mẽ thì mới chu toàn được sứ mệnh của nhà giáo. Nói như vậy, không có nghĩa cho rằng lâu nay người thầy hoàn toàn thụ động trong công tác giảng dạy, mà phải nhìn nhận rằng những tư duy và sáng tạo của người thầy lâu nay chỉ ở trong một giới hạn nhất định, phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa duy nhất, và không phải người thầy nào cũng có điều kiện để sáng tạo và tư duy như mình muốn.

    Như vậy, vai trò mới của người thầy trong đổi mới giáo dục khá thách thức là điều tất yếu. Nhưng khó khăn không chỉ dành cho người thầy mà còn cho cả hệ thống các cấp quản lý. Bởi vấn đề đặt ra trước tiên cho ngành giáo dục để đáp ứng đòi hỏi của đổi mới  hiện nay chính là khả năng tu nghiệp và đào tạo mới một lực lượng đông đảo giáo viên toàn ngành. Đó là điều không dễ thực hiện chỉ trong một vài năm, trong khi nhu cầu cấp bách của xã hội, của nền giáo dục nước nhà - để khỏi tụt hậu so với thế giới - nói theo bức xúc của GS Hoàng Tụy là hãy “đừng chậm trễ nữa”. Đơn giản bởi vì “đã  trễ quá rồi” !

    Điều cần nhìn nhận là  vai trò mới của người thầy tuy có thay đổi, không còn là “hiện thân của chân lý” như trước đây (theo cách ví của TS Giáp Văn Dương), nhưng với truyền thống đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”,“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, người thầy trong mắt của học trò người Việt Nam vẫn luôn là Người Thầy đáng kính, vẫn là hình ảnh sống mãi trong lòng những người học trò cho mãi đến cuối đời, dẫu cho địa vị xã hội hay hoàn cảnh của mỗi người ra sao.

     Nhân ngày “Nhà Giáo Việt Nam” 20/11, xin kính chúc quý Thầy Cô dồi dào sức khỏe và nhiều nghị lực để sớm thích nghi với môi trường giáo dục mới của một nền giáo dục được đổi mới căn bản và toàn diện.

 

                  * NGUYÊN THANH



Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn