Đang tải...
 

Nhân vật lịch sử - văn hóa

Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và trưởng thành trên vùng đất này, cũng có những người sống xa quê chỉ gắn bó với quê hương trong một tình cảm về cội nguồn, như Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử.
Nhân vật lịch sử - văn hóa

ĐỊA CHÍ PHONG ĐIỀN :

NHÂN VẬT LỊCH SỬ - VĂN HÓA

 

Khai hoang lập ấp, chọn mảnh đất Phong Điền để định cư, các thế hệ tổ tiên buổi đầu đã tạo lập cho con cháu trên 20 đời về sau nối tiếp công cuộc mưu sinh. Bao nhiêu lớp người nông dân, ngư dân, thợ thủ công, trí thức đã đem hết tâm huyết sức lực để nuôi sống gia đình, xây dựng và bảo vệ quê hương để cho Phong Điền phát triển liên tục, trong đó nổi bật lên những nhân vật lịch sử - văn hóa không chỉ đóng góp cho quê hương mà còn góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và trưởng thành trên vùng đất này, cũng có những người sống xa quê chỉ gắn bó với quê hương trong một tình cảm về cội nguồn, như Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử. Và cũng có một ít người tuy chẳng có quê quán nơi đây, nhưng lúc cuối đời đã trở về sống nơi này và đã gởi nắm xương tại đây như Lê Văn Miến, hoặc ít nhiều có quan hệ với Phong Điền và đã yên nghỉ vĩnh hằng nơi đây như Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Trứ.

Dưới đây lần lượt giới thiệu các nhân vật lịch sử - văn hóa Phong Điền theo trình tự thời gian.

1.     Hoàng Minh Hùng (thế kỷ XV)

Người làng Cảm Quyết, Nghệ An, là quan võ tham gia chiến dịch bình Chiêm năm 1470 do vua Lê Thánh Tông làm tổng chỉ huy. Thắng lợi, hưởng ứng chủ trương di dân lập ấp, tăng cường tiềm lực cho Thuận Hóa, ông đã tìm đất, trên từ khe Trăn, khe Trái, dưới là xứ Cồn Dàng ( thường quen đọc theo mặt chữ Hán là Cồn Dương), chiêu tập nhân dân, lập nên làng mới tên là Cảm Quyết (tức làng Phước Tích). Ông còn có tục danh là Nồi, chức tước là Đô chỉ huy sứ, Vệ Cẩm Y, quản trị phó tướng Hùng Minh Hầu. Ông là người khai canh của làng, cũng là một vị thủy tổ trong 3 họ chính đặt cơ sở cho sự hình thành nghề gốm của làng Phước Tích.

2.     Nguyễn Duy Năng (1534- ?)

Là một trong các vị tổ mở mang dòng họ Nguyễn Khoa làng Ưu Điềm. Năm 1574, ông đăng ký quê gốc là làng Dĩnh Uyên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Mạc. Làm quan Thừa chính sứ, thăng lên Trấn quốc đại tướng quân. Đây là vị Tiến sĩ khai khoa của quê hương Phong Điền.

3.     Nguyễn Đăng Đàn (thế kỷ XVIII)

Còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu là Bất Nhị, người làng Ưu Điềm. Từ bé vốn thông minh, học giỏi nhưng không thích khoa cử, có tiếng giỏi về lý số và binh pháp. Tính tình điềm tĩnh, ưa làm điều thiện, không thích vinh hoa danh lợi. Đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1764), lấy tư cách là thường dân, ông đến triều dâng bản kế sách bằng chữ Nôm, đại ý nói: người làm vua chúa nên lấy việc cầu hiền tài, nghe lời can gián là trên hết. Chúa khen lời nói đúng đắn, thiết thực, mốn mời vào bổ quan, nhưng ông từ chối, vẫn tiếp tục nghề dạy học, làm nhà ở núi Thanh Thủy, học trò có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt. Đến lúc 70 tuổi, ông vẫn bền chí, đức hạnh tốt đẹp, người đời kính trọng, tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh (bậc thầy hơn người).

4.     Nguyễn Quang Tiền (thế kỷ XVIII)

Người làng Phò Ninh. Học giỏi thi đỗ khoa thi Văn chức, được bổ làm quan Hàn Lâm. Thường chấp bút soạn thảo văn thư ngoại giao với các nước lân bang. Khi Nguyễn Phúc Hoạt xưng nương hiệu, muốn ghi vào văn thư giao thiệp, ông phản đối, bị bãi quan. Năm 1765, Nguyễn Phúc Thuần kế vị lại mời ông vào làm quan như cũ. Nổi tiếng là học rộng biết nhiều, hay thơ và giỏi thiên văn.

5.     Cao Đình Độ (?- 1810)

Quê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), vào Nam làm con nuôi của một người thuộc họ Trần Duy, làng Kế Môn. Học được nghề luyện vàng bạc, chế tác nữ trang của người Hoa, vào làm việc tại Cuộc thợ vàng (Kim Tượng cuộc) của triều Tây Sơn. Đời Gia Long ông tiếp tục làm việc tại đây. Đã truyền nghề cho con trai và dân làng Kế Môn, làm cho cư dân Kế Môn nối tiếp được nghề truyền thống này. Mất ngày 7-2-1810. Mộ tại xứ Trường An, nay là phường Trường An, thành phố Huế. Trở thành đệ nhất tổ sư của nghề kim hoàn Đàng Trong.

6.     Cao Đình Hương (?- 1870)

Con trai của Cao Đình Độ, nối nghiệp cha làm thợ cả trong Nội kim tượng cuộc của triều Nguyễn. Mất ngày 27-2-1870, mộ táng cạnh cha. Được tôn vinh là đệ nhị tổ sư của nghề kim hoàn Đàng Trong. Hai ngôi mộ này được giới thợ vàng gọi là mộ Tổ. Nhà thờ tổ nghề kim hoàn được dựng ở Huê cuối thế kỷ XIX để phụng thờ hai ông. Cả mộ và nhà thờ đã được cấp bằng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia theo quyết định ngày 22-3-1990 của Bộ Văn hóa – Thông tin. Đầu thế kỷ XXI, cư dân nghề kim hoàn gốc Kế Môn đã xây dựng thêm một nhà thờ Tổ tại làng, có kiến trúc đồ sộ.

 


Mộ phần 2ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ở Tp.Huế
 

7.     Trần Văn Kỷ (?- 1801)

Người làng Vân Trình. Cha là Trần Văn Hồng, đi lính làm suất đội trưởng dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thụ. Thông minh, học giỏi, đổ đầu khoa thi hương ở Phú Xuân năm 1777 thời Lê -Trịnh. Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông được tin dùng, làm đến Trung thư phụng chính. Cảnh Thịnh nối ngôi, ông vẫn được trọng dụng. Sau đó, Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, đày ông ra làm lính ở trạm Hoàng Giang (Phước Tích). Năm 1794, khi Võ Văn Dũng ổn định được tình hình, ông được phục chức cũ, tước Kỷ Thiện Hầu. Ông đã gợi ý nhân dân vùng quê ven sông Ô Lâu trồng mưng, cừ chắn gió bấc. Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông bị giam lỏng. Ngày 24/12/1801, ông tự trầm ở Ngã Ba Sình để giữ khí tiết. Lăng mộ ông ở làng Vân Trình đã được cấp bằng di tích văn hóa- lịch sử Quốc gia.

8.     Nguyễn Văn Khiêm (1759- 1814)

Quê làng nào không rõ, lúc đầu theo cha là Nguyễn Văn Nguyên vào Gia Định, năm 18 tuổi vào lính làm thủ hạ của cai cơ Hoàng Văn Lịch. Tham gia chiến dịch thu phục Phú Xuân, được thăng làm Đô thống chế, thuộc vệ Túc trực, quân Thần sách. Mùa Đông lại trông coi việc đúc chín khẩu súng thần oai vô địch đại tướng quân. Năm Gia Long thứ 5 (1806), đổi làm Đô thống chế vệ Thị trung. Năm 1814, bị bệnh và mất, thọ 56 tuổi, được tặng Thiếu bảo Quận Công. Con là Nguyễn Thường Tuân được cưới công chúa, làm phò mã Đô úy.

9.     Hoàng Văn Cẩn (cuối tk. XVIII – đầu tk. XIX)

Người làng Hiền Lương. Xuất thân thợ rèn, tham gia trong quân đội của Nguyễn Ánh. Sau khi trở về Phú Xuân được thăng làm Chưởng cơ thuộc Nội khâm sai, Chánh quản Sở Nhà Đồ, là một cơ sở xây dựng và chế tác của triều đình, tước là Cẩn Thận Hầu, trực tiếp chỉ huiy việc đúc 9 khẩu sung thần oai vô địch đại tướng quân (hiện nay đang đặt ở hai bên cửa Thể Nhân và Quảng Đức trong Kinh thành Huế).

10.             Hoàng Văn Lịch (cuối tk,XVIII- đầu tk. XIX)

        Người làng Hiền Lương. Xuất thân thợ rèn, theo phò Nguyễn Ánh làm đến Cai cơ. Năm 1839, ông được bổ làm Chánh giám đốc trông coi việc sửa chữa chiếc tàu hơi nước mới đóng của Võ khố bị vỡ nồi hơi không chạy được, sửa thành công được ban thưởng. Tiếp đó tháng 11-1839, đóng thêm một chiếc tàu lớn và tháng 5-1840 hoàn tất một tàu hạng trung. Hoàng Văn Lịch có thể xem như là ông tổ của nghề đóng tàu máy hơi nước của Việt Nam. Vua Minh Mạng đã phong cho ông tước Lương Sơn Hầu.

11.            Nguyễn Lương Nhàn (?- 1849)

          Người làng Hiền Lương. Năm 1801 vào lính, đã lập được nhiều chiến công. Năm 1834 làm cai đội, tham gia bình định phía Nam. Năm 1841, làm Chưởng vệ bổ Lãnh binh An Giang dẹp phỉ, chiến thắng được làm Đề đốc An Giang. Năm 1847, làm Hữu quân Đô thống, lãnh Tổng đốc Nam Nghĩa. Mất năm 1849.

12.            Thân Văn Quyền (1771-1837)

          Quê làng An Lỗ, cư trú Nguyệt Biều. Theo học văn nho rồi dạy học suốt 30 năm, được tiến cử, bổ chức Giáo thụ phủ Thăng Hoa. Năm sau về làm Tư nghiệp trường Quốc Tủ Giám rồi làm thầy dạy các hoàng tử. Trải qua nhiều chức quan do thăng giáng, năm 1833 làm Án sát Tuyên Quang, rồi Thi lang Bộ Hộ, Bộ Lễ. Phạm lỗi bị cách chức. Năm sau được khôi phục chức Tư vụ. Năm 1837 thăng Án sát Định Tường, rồi Án sát Gia Định. Mất lúc tại chức ở Gia Định năm 1837, được đưa về an táng ở quê nhà.

13.             Thân Văn Nhiếp (1804-1872)

Con thứ của Thân Văn Quyền. Đổ đầu khoa thi hương năm 1841 tại Thừa Thiên. Trải qua nhiều chức quan tại Kinh và các tỉnh. Năm 1858, ông làm Thự Bố chánh Quảng Nam. Pháp đánh Quảng Nam, ông bị cách chức. Khi pháp chiếm  3 tỉnh Nam Kỳ, ông được giao chức Tả thị lang Bộ Binh sung Hiệp tán quân thứ tỉnh Biên Hòa. Ông đã cùng đồng sự hoạt động đánh Pháp nhưng không có kết quả. Năm 1862, đổi làm Bố chánh Bình Định, năm sau thì làm Hữu thị lang Bộ Lại. Năm 1864, làm Thự tham tri Bộ Binh, Hộ lý Tổng đốc Bình Phú. Ông đã dâng sớ xin cấm nha phiến, rồi lại dâng sớ khuyên vua giảm du hí mà chăm lo tự cường và chống ngoại xâm. Nắm869, thăng Tổng đốc Bình Phú. Lâm bệnh và mất tại chức năm 1872, vua cho di quan về an táng tại quê nhà.

14.             Cao Hữu Dực (1799-1858)

Còn có tên là Cao Hữu Bằng, người làng Thế Chí Tây. Thi đỗ Cử nhân khoa 1825. Năm sau làm Hành tẩu phòng Văn thư. Năm 1833, làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Thự bố chánh, có công. Năm 1837, được chọn làm Thị lang Bộ Binh, sung Hiệp tán ở Trân Tây. Từng dâng sớ điều trần các việc trị an nơi đây. Năm 1840, tình hình biến động, ông bị giáng làm Viên ngoại lang Bộ Binh. Năm 1841, quân triều đình rút khỏi Trấn Tây, ông về làm Bố chánh An Giang, rồi bị truy lỗi, giáng xuống Tư vụ nhưng lãnh Án sát An Giang. Năm 1843, đổi về Gia Định thăng Thự Tuyên phủ sứ Tây Ninh. Ông đã chiêu dụ người Khmer an cư, lập ấp, cấp cho họ trâu bò, nông cụ để giữ vững biên cương. Năm 1845, thăng Thự Tổng đốc An Hà, đóng góp nhiều công sức trong việc chiêu dụ nhân dân yên ổn làm ăn, trồng trọt. Năm 1859, ông lâm bệnh mất tại chức. Vua truy tặng Hiệp biện đại học sĩ, sai đưa quan tài về quê và cử quan đến tế.

15.             Đặng Văn Hòa (1791-1856)

Quê nội Hiền Sĩ, nhập tịch Bác Vọng, cư trú Thanh Lương. Đỗ Cử nhân năm 1813, làm quan từ Tri huyện Hà Đông thăng dần lên đến quyền Tổng trấn Bắc Thành, Tuần phủ Hà Nội, Tổng đốc Định Yên, Tổng đốc Hà Ninh, Thượng thư Bộ Công, Tổng đốc Bình Phú, rồi Bình Biên, Định Yên… rồi Thượng thư Bộ Lễ, Bộ Hình và Tổng tài Quốc sử quán. Mất tại chức năm 1856, truy tặng Văn Minh điện đại học sĩ. Làm quan lớn, ông đã quan tâm đốc thúc nhiều việc, đóng góp công sức trên nhiều địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Nam. Tại Phong Điền, ông đã đúc chuông cúng cho chùa làng Hiền Sĩ, chùa Hòa Viện…

(còn tiếp)

          (Trích đăng từ “Địa Chí Phong Điền” phần thứ tư, chương bảy)

Ban Biên Tập

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

  • Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

    Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

    Học rộng, tài cao của Ngài Nguyễn Duy Năng không chỉ thể hiện trong việc ổn định, xây dựng phát triển kinh tế,...

  • Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

    Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

    Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và...

  • Nguyễn Lộ Trạch

    Nguyễn Lộ Trạch

    Sống một đời ưu tư vận nước Chết an phần một nấm đơn sơ

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn