Đang tải...
 

TỪ CHUYỆN CON TRÂU Ở ĐIỀN MÔN

Thằng bé đứng bên bờ cỏ, một tay cầm củ khoai nướng còn nóng hổi, tay kia run run cầm cái “ná”. Ngước nhìn lên thằng bé “chự trâu”, thấy ghét, nó tự nhủ “sức mấy”! Cái ná ni nó đã “đẹo” mất ba ngày trời, rồi gom cho được gần năm chục “trợi” dây “giun” mới hình thành. Vậy mà hắn đòi đổi…chỉ với một “chặp” ngồi "côi" lưng trâu!
TỪ CHUYỆN CON TRÂU Ở ĐIỀN MÔN


TỪ CHUYỆN CON TRÂU Ở ĐIỀN MÔN



 

“-Mi cho tau “nôm” chút, tau cho mi cấy ni!
    -Cấy chi?
    -Củ khoai! Tau mới nướng ở bếp “trú” côi xóm…
    -Ẻ ! Khoai tau ăn bức ngán rồi…Mi dấu cấy chi sau lưng rứa?
    -…
    -È…è… tau chộ rồi…Đưa cho tau, tau cho nôm!


    Thằng bé đứng bên bờ cỏ, một tay cầm củ khoai nướng còn nóng hổi, tay kia run run cầm cái “ná”. Ngước nhìn lên thằng bé “chự trâu”, thấy ghét, nó tự nhủ “sức mấy”! Cái ná ni nó đã “đẹo” mất ba ngày trời, rồi gom cho được gần năm chục “trợi” dây “giun” mới hình thành. Vậy mà hắn đòi đổi…chỉ với một “chặp” ngồi "côi" lưng trâu!

    -È…è…đưa khôn? Khôn thì thôi!

   Thằng bé vẫn lưỡng lự…Nhưng cái thú nôm trâu như thúc giục nó và cứ như  réo gọi bên tai nó, càng lúc càng khẩn trương: “đưa đi…đổi đi…nôm cho sướng”! Cuối cùng nó cũng đành trao cho người khác cái vật mà nó đang cưng nhất: cái ná bắn chim!”

    Câu chuyện đời thực của hai thằng bé người Điền Môn, một thằng học trò và một thằng “chự trâu” ấy, đã diễn ra cách đây hơn sáu chục năm. Nó đã nằm sâu trong ký ức của người viết bài này và hầu như sẽ mãi mãi bị quên lãng, nếu không có một mẫu tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 27/10/2013.  Đó là mẫu tin nói về phố cổ Hội An, mới đây được tạp chí du lịch của Mỹ Condé Nast Traveler bình chọn là một trong hai thành phố du lịch được yêu thích nhất châu Á chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản). Điều đáng nói là bên cạnh bản tin còn có hình ảnh một khách du lịch phương Tây đang cưỡi con trâu với vẻ mặt cực kỳ khoái trá.  Bởi có lẽ đây là lần đầu tiên, ở một vùng đất xa lạ, họ trải nghiệm cái cảm giác mới mẻ thích thú này.

    Tôi lại chợt nghĩ về quê nhà, về quê hương Điền Môn của tôi. Những hình ảnh kỉ niệm xưa, nơi làng quê  bên những chú nghé ọ, bỗng đua nhau hiện về. Những lần mãi mê nôm trâu ké  bên bờ đê quên cả học bài, những lần phải chạy thục mạng khi hai con trâu đuổi nhau và “choảng” nhau túi bụi trên đường làng,… chưa kể  một lần xui xẽo bất ngờ bị trâu “bạng” trong xóm, bất tỉnh, may mà chưa lọi xương sườn. Rồi mới đây, trở về quê sau bao nhiêu năm  tha  phương cầu thực, cố tìm lại hình bóng con trâu nhưng tìm mãi…tìm mãi vẫn bặt tăm!


    -Chừ  người ta  cày máy, bừa máy  khôn à!  Ai nuôi trâu mần chi?

   Mà quả đúng là vậy, làng không còn ai nuôi trâu, chỉ có nuôi bò để lấy thịt. Vậy mà, khi tò mò lật cuốn “Địa chí Phong Điền” tra phần thống kê gia súc, gia cầm của huyện, tôi thật sự ngạc nhiên vì thấy số lượng trâu nuôi ở huyện vẫn còn khá lớn – đến 7.650 con (số liệu 2004). Có điều đáng lưu ý là số ấy chỉ phân bố cho 14 xã và thị trấn  khác trong huyện, riêng Điền Môn (và Phong Hải) được đánh số 0. Nghĩa là Điền Môn gồm cả làng Vĩnh Xương và làng Kế Môn không còn con trâu nào cả.

    Thay vào đó, Điền Môn, nói riêng và cả vùng Ngũ Điền nói chung, lại nuôi rất nhiều bò (số lượng gần như áp đảo  so với vùng bên kia sông Ô Lâu). Bởi vậy, trong một buổi chiều tháng hai về thăm quê năm 2012, tôi xách máy ảnh ra đồng định săn vài tấm ảnh về chú trâu thì lại gặp toàn những chú bò.
Nhìn đàn bò vàng đang chậm rãi bước trên bờ hói cũng một màu đất mới vàng ươm và  dưới nắng chiều vàng, hình ảnh cùng với gam màu mới lạ ấy khiến tôi chợt so sánh với gam màu xanh xám về đồng ruộng xưa trong ký ức của tôi.  Rồi những hoài niệm bỗng len lõi trong lòng khi  hình ảnh quen thuộc của những con trâu ngày trước  cứ như đang hiện về ngay trước mắt tôi…

         Đúng là không thể không hoài niệm về một thời đã qua. Về hình ảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp”, về sự vất vả cực nhọc của những con trâu cũng như của nông dân ngày xưa, của đời cha, đời ông và tổ tiên ngày trước. Hoài niệm  những hình ảnh buồn cười về “trâu ẻ” côi “cươi” khi trâu đang “đạp ló”, về những “bại cứt trâu” tổ bố  bên đường, trong xóm như là những cái “bẫy” cho người đi đường…tối ba mươi! Hoài niệm cũng mang những âm hưởng “nghé ọ” quen thuộc đâu đây trong xóm, ngoài đồng, những tiếng quát “tắc tắc rì rì” là mệnh lệnh chỉ hướng cho trâu của bác nông dân làng, lâu lâu nổi nóng, bên những luống cày ngày mùa. Và hoài niệm về một thời học trò từng theo dấu “ngọ” ra đồng tắm hói mò đam…

      Ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ, nông thôn đổi mới, công việc đồng áng nặng nhọc đã có máy móc hỗ trợ, người nông dân không còn vất vả như trước nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự chấm hết vai trò “đầu cơ nghiệp” nhà nông của con trâu,  xóa đi  hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” của một nền nông nghiệp lạc hậu đã từng tồn tại hàng bao thế kỷ trên mảnh đất này. Dần dần, con trâu sẽ không còn mang ý nghĩa là con vật cộng sự, là người bạn thân thiết của nông dân như ngày trước và chắc hẵn bên tai trâu sẽ không còn nghe văng vẳng những chia ngọt sẻ bùi thắm thiết từ con người:

 

                 “Trâu ơi ta bảo trâu nầy,
           Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
                 Cấy cày là nghiệp nông gia
           Ta đây trâu đấy ai mà quản công”… (ca dao)

 


     Con trâu, “người bạn chiến đấu trên “mặt trận” ruộng đồng ngày xưa của nông dân, rồi đây, nếu còn được nuôi, có lẽ sẽ không còn là con vật tượng trưng cho sức mạnh dẽo dai, bền bĩ, chịu đựng như người ta thường ví “khỏe như trâu, cày như trâu,…” mà chỉ còn là gia súc, là vật nuôi tầm thường,  giản đơn như những con heo, con gà hay con vịt.  Nuôi ăn cho mập, cho béo chỉ để lấy thịt, lấy da… Hay có “phước” hơn chút là được chọn vào đội “chọi trâu” làm thú giải trí  cho con người. Đúng là thời đại “vật đổi sao dời” ít ra là đối với loài trâu hiền lành và tội nghiệp.

   Hoài niệm về một thời dĩ vãng,  để rồi luyến tiếc về một khung cảnh thiên nhiên nơi làng quê êm ả bên đồng lúa nương khoai, để rồi cảm thương cho số phận những chú nghé ọ hiền lành và cam chịu, suốt đời suốt kiếp phục vụ cho con người… Nhưng  cuộc sống vốn dĩ là đi tới, là vươn lên, là tiến bộ không ngừng, có chi mà không thay đổi?  Vậy  phải chăng cũng nên mừng cho loài trâu đang dần dần  thoát  khỏi kiếp…“trâu ngựa” như đã trải qua hàng bao thế kỷ ?!
   
      Nông nghiệp Việt Nam đang dần dần được hiện đại hóa.  Ngoài phân bón,  giống má được cập nhật liên tục  để  ngắn ngày hơn và cho năng suất cao hơn, thì hệ thống thủy lợi cũng đã được đầu tư đúng mức để vươn tay về tới những đồng ruộng  xa xôi nhất, đặc biệt các khâu làm đất, gặt đập đều đã có máy móc hiện đại.  Lẽ ra, trong điều kiện sản xuất thuận lợi như vậy, người nông dân Điền Môn nói riêng và Bắc bộ, Bắc Trung bộ nói chung phải phấn khởi, tự tin và  bám lấy ruộng đồng. Vậy mà đằng này, thực tế cho thấy dần dần một bộ phận nông dân bắt đầu có chiều hướng từ bỏ ruộng đồng để tìm kiếm nghề khác sinh nhai. Trước đây, ruộng ở Điền Môn nhiều hơn bây giờ (bởi bao gồm cả một số ruộng cồn ở Đại Lộc, Thế Chí), nhưng các lão nông dân tiền bối còn phải ra tận miệt Quảng Trị thuê thêm ruộng để sản xuất. Vậy mà hiện nay  ruộng đã ít mà vẫn thiếu người làm. Tại sao lại như vậy?

      Có lẽ, lời phát biểu thẳng thắn của vị chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, trước diễn đàn Quốc hội  hôm 31/10/13 (Tuổi trẻ 1/11/13) đáng để chúng ta suy ngẫm khi đi tìm lời giải đáp: …“Tôi nghĩ rằng nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhất là vùng trồng lúa. Nông dân đồng bằng Bắc bộ tính toán chi li là làm một sào ruộng nếu mưa thuận gió hòa cũng chỉ có lãi 100.000-200.000 đồng, còn rủi ro thì lỗ. Trong khi đó giá phân bón, vật tư tăng cao, tính trong năm năm gần đây trung bình giá tăng từ 2 đến 2,5 lần…”

     Vậy là đúng như lời tâm sự của nhiều nông dân ở Điền Môn  mà tôi từng nghe được: “Làm ruộng bây giờ khỏe thì khỏe thiệt, nhưng mà không có lời, không có “ăn” !”


*Bài viết : NGUYÊN THANH
*Ảnh : sưu tầm



Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn