Đang tải...
 

Điều lệ Hội đồng hương

Trong cuộc họp ngày 02/10/2013, ban Soạn thảo điều lệ  và tập thể ban Chấp hành hội, thay mặt toàn thể hội viên, đã đúc kết các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa một số điều, cuối cùng nhất trí thông qua bản “Điều lệ” chính thức của hội như sau:
Điều lệ Hội đồng hương

- Căn cứ bản Điều lệ của Ban Liên lạc Đồng hương huyện Phong Điền ban hành ngày 10/12/2011,
- Căn cứ vào biên bản cuộc họp ngày 04/5/2013 của Ban Liên lạc Đồng hương về quyết định đổi mới tổ chức và hoạt động của đồng hương huyện trong tình hình mới,
- Sau khi bản “Dự thảo điều lệ” được phổ biến từ ngày 26/5/2013 để toàn thể đồng hương đọc, nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến,


Trong cuộc họp ngày 02/10/2013, ban Soạn thảo điều lệ  và tập thể ban Chấp hành hội, thay mặt toàn thể hội viên, đã đúc kết các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa một số điều, cuối cùng nhất trí thông qua bản “Điều lệ” chính thức của hội như sau :

CHƯƠNG I: TÊN GỌI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

Điều 1: Tên gọi

Tên đầy đủ của tổ chức là : “Hội Đồng hương Huyện Phong Điền Thừa Thiên Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tên viết gọn lại là : “Hội Đồng hương Huyện Phong Điền tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận”.

Điều 2: Tôn chỉ - Mục đích

Hội Đồng hương huyện Phong Điền tại Tp. HCM là một tổ chức xã hội tự nguyện, xuất phát từ tình cảm quê hương, tập hợp những bà con đồng hương Phong Điền xa quê đang sinh sống và làm việc tại Tp. HCM và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện để bà con gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau hướng về quê hương cội nguồn trên tinh thần “ly hương bất ly tổ”.

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN

Điều 3: Nhiệm vụ

Hội hoạt động trên tinh thần thượng tôn luật pháp. Các hoạt động của hội chỉ giới hạn trong phạm vi tương tế, văn hóa, xã hội, khuyến học, không liên quan đến các lĩnh vực chính trị hay tôn giáo nhạy cảm.

Điều 4: Quyền hạn

- Được tổ chức họp mặt, gặp gỡ trực tiếp các thành viên của hội theo định kỳ hằng năm và đột xuất. Được thành lập website và tập san nội bộ để thông tin liên lạc và quảng bá hình ảnh của quê hương huyện nhà.
- Được vận động tài trợ từ các cá nhân trong và ngoài cộng đồng đồng hương, cũng như các tổ chức khác, trong cũng như ngoài nước, trong giới hạn luật pháp cho phép.

CHƯƠNG III: HỘI VIÊN

Điều 5: Tư cách hội viên

- Trên nguyên tắc, tất cả các công dân nam nữ có nguồn gốc từ huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) kể cả con cháu dâu rễ nội ngoại các thế hệ, từ 18 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận đều được tham gia vào hội với tư cách là “hội viên”.

- Trên thực tế, đối với các làng đã có hội đồng hương, thì chỉ có các đại biểu- là các thành viên trong các ban chấp hành- tham gia trực tiếp với tư cách “hội viên”, còn đồng hương hội viên các làng chỉ tham gia gián tiếp qua đại biểu của họ.

Điều 6: Hội viên Danh dự

- Hội viên Danh dự là những hội viên kỳ cựu, đã có công sáng lập, điều hành và tích cực đóng góp công sức xây dựng trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của hội, nhưng nay vì tuổi cao sức yếu không thể thường xuyên tham gia sinh hoạt hội. Hội viên Danh dự được hội trân trọng, biết ơn và vinh danh.

Điều 7: Hội phí

- Các hội viên đóng hội phí hằng năm trên tinh thần “tự nguyện” để duy trì hoạt động  của hội. Mức đóng  tùy khả năng của mỗi người và không giới hạn.

Điều 8: Quyền lợi hội viên

- Tham gia các hoạt động của hội tùy theo khả năng và sự phân công của các ban chuyên môn.
- Đóng góp ý kiến, thảo luận, biểu quyết điều lệ, nội quy của hội cũng như phê bình, chất vấn công tác điều hành của hội.
- Bầu cử, ứng cử vào các chức vụ trong ban Điều hành hội.
- Được hỗ trợ tinh thần và vật chất từ tổ chức hội khi cần.

Điều 9: Nghĩa vụ hội viên

- Tuân thủ điều lệ và nội quy của hội.
- Hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được phân công.
- Tham gia sinh hoạt đều đặn và đóng hội phí tùy khả năng.

Điều 10 : Chấm dứt tư cách hội viên

Tư cách hội viên sẽ không còn nếu xảy ra một trong các trường hợp sau :

- Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hội viên ghi ở điều 9.
- Hội viên hoạt động trái với điều lệ, nội quy của hội, đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
- Tự nguyện xin ra khỏi hội.

CHƯƠNG IV: CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 11: Đại hội toàn thể

Chịu trách nhiệm và có quyền hạn cao nhất là Đại hội toàn thể các hội viên, và với 2/3 số hội viên có mặt đồng ý là đủ để thông qua một quyết định. Đại hội họp thường kỳ hằng năm vào mùa xuân, hoặc bất thường khi có đề nghị triệu tập của ban Chấp hành.  Đại hội có nhiệm vụ :

- Quyết định sửa đổi, bổ sung và thông qua điều lệ hội.
- Quyết định phương hướng, nội dung và chương trình hoạt động của hội cho năm sau.
- Bầu ra các chức danh : chủ tịch danh dự và các thành viên trong ban Chấp hành gồm chủ tịch và phó chủ tịch thường trực.

Điều 12: Chủ tịch Danh dự

Chủ tịch Danh dự là chức danh có tính nghi thức mà Đại hội toàn thể vinh danh cho cá nhân người đã cống hiến tích cực trong quá trình hình thành và phát triển của hội, nhưng vì hoàn cảnh gia đình hay bản thân, không thể tiếp tục trực tiếp điều hành hoạt động của hội. Chủ tịch Danh dự là đại diện tinh thần của hội, đại diện hội tham dự các  lễ nghi tổ chức tại huyện nhà, tại hội đồng hương tỉnh, các hội đồng hương huyện bạn và các hội đồng hương làng xã trong huyện.

Điều 13: Ban Chấp hành

Gồm :             
          - 01 chủ tịch,
          - 01 phó chủ tịch thường trực,
          - 04 tiểu ban chuyên môn chịu trách nhiệm trực tiếp với chủ tịch gồm thư ký, kế toán tài chính, văn thể mỹ và thông tin.
          - 04 phó chủ tịch chuyên trách các bộ phận gồm đối nội, đối ngoại, vận động tài chính và khuyến học.
          - Các ủy viên là các trưởng và phó các ban chấp hành các hội làng xã thuộc huyện.

Điều 14: Nhiệm vụ của ban Chấp hành

- Điều hành trực tiếp các hoạt động của hội theo đúng điều lệ và nội quy đã được Đại hội toàn thể thông qua.
- Triệu tập, tổ chức các cuộc họp mặt toàn thể thường niên và bất thường của hội.
- Báo cáo tổng kết công tác hằng năm cũng như công khai thu chi tài chánh trong năm cho toàn thể hội viên.
- Vận động, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện  cho bà con xa quê các làng xã trong huyện chưa có hội đồng hương sớm thành lập hội.

Chức năng và nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong  ban Chấp hành được quy định chi tiết trong “Nội quy” của hội.

Điều 15: Nhiệm kỳ của ban Chấp hành

- Nhiệm kỳ của Chủ tịch và phó chủ tịch là ba (3) năm và có thể tái tục nhiều lần nếu được bầu.
- Nhân sự các bộ phận khác được duy trì liên tục qua các nhiệm kỳ, có thể được điền khuyết, thay thế hoặc bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển của hội.

CHƯƠNG V: THU CHI TÀI CHÍNH

Điều 16: Các nguồn thu

Hội hoạt động nhờ vào hai nguồn thu chính:
     - Thường xuyên, như hội phí, tiền đóng góp trang trải chi phí ẩm thực khi họp mặt.
     - Không thường xuyên, như tiền hỗ trợ thêm từ các hội viên, tiền vận động từ doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài hội.

Điều 17: Các khoản chi

Quỹ hội xuất chi cho các hoạt động:
     - Tổ chức họp mặt toàn thể mùa xuân hằng năm.
     - Giao tế, xã hội ( thăm ốm đau, tai nạn, lễ tang,…)
     - Văn hóa thông tin, văn nghệ thể thao.
     - Khuyến học.

Mức chi tùy thuộc tình hình quỹ mỗi năm và được quy định cơ bản từng loại trong  “Nội quy” của hội.

Điều 18: Quản lý Quỹ

- Thu chi của quỹ phải thừa lệnh của chủ tịch và phải được kế toán ghi vào sổ sách, có chứng từ thu chi được lưu giữ an toàn.
- Thủ quỹ nhập, xuất quỹ qua kế toán và lưu chứng từ kèm theo. Tồn quỹ tiền mặt chỉ ở mức độ vừa đủ (được quy định trong nội quy) để trang trải các chi phí phát sinh đột xuất, còn lại phải gửi vào ngân hàng để sinh lời.
- Hằng năm, vào dịp họp mặt toàn thể, thu chi tài chánh phải được báo cáo công khai trước đại hội.

CHƯƠNG VI: BIỂU DƯƠNG – KỶ LUẬT

Điều 19: Biểu dương

- Về cá nhân : Những cá nhân hội viên có đóng góp xuất sắc cho những hoạt động của hội, được biểu dương.
- Về tập thể : Hội chủ trương phong trào thi đua thường xuyên giữa các hội Đồng hương làng xã trong huyện. Qua đó, hội biểu dương  các hội làng xã hoạt động có hiệu quả nhất.

Hình thức biểu dương cá nhân cũng như tập thể do ban Chấp hành hội quyết định.

Điều 20: Kỷ luật

Hội viên nào có những ý kiến hoặc hoạt động trái với điều lệ, nội quy đã thông qua, làm phương hại đến uy tín của tổ chức, sẽ được nhắc nhở hoặc đề nghị rời khỏi hội tùy theo mức độ sai phạm. Hình thức kỷ luật do tập thể ban Chấp hành quyết định.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21: Sửa đổi và bổ sung Điều lệ

Điều lệ có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Chỉ có Đại hội toàn thể với ít nhất 2/3 số thành viên tham dự mới có thẩm quyền sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ này.

Điều 22: Hiệu lực thi hành

Điều lệ gồm 7 chương, 22 điều khoản, được tập thể hội viên nhất trí thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2013.

Tp.HCM, ngày 01 tháng 11 năm 2013
Hội Đồng hương Huyện Phong Điền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận

Chủ tịch
 

HOÀNG VĂN HẠNH

Chia sẻ bài viết:

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn