Đang tải...
 

KHOA CỬ NGÀY XƯA

Đã có học, tất phải có thi. Đó là lẽ tự nhiên, bởi “thi”, suy cho cùng là để “kiểm tra” những cái đã học. Trên thế giới, trong các hệ thống giáo dục, cấp học nào cũng có những kỳ kiểm tra để đánh giá mức độ lĩnh hội của người học như vậy.
KHOA CỬ NGÀY XƯA

NHÂN MÙA THI

NÓI CHUYỆN THI CỬ

 

          Đã có học, tất phải có thi. Đó là lẽ tự nhiên, bởi “thi”, suy cho cùng là để “kiểm tra” những cái đã học. Trên thế giới, trong các hệ thống giáo dục, cấp học nào cũng có những kỳ kiểm tra để đánh giá mức độ lĩnh hội của người học như vậy. Tuy nhiên, sự học nói chung, trong đó nội dung học tập và phương pháp giảng dạy, cũng như tổ chức thi cử, mỗi thời đại, mỗi nền giáo dục đều nhắm tới một mục tiêu riêng. Và trong chiều hướng tiến bộ của nhân loại nói chung, của các nền giáo dục nói riêng, thông qua những cải cách, việc học tập và thi cử ngày càng được hầu hết các quốc gia đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp.

 

THI CỬ NGÀY XƯA

THỜI NHO HỌC PHONG KIẾN


 

          -Về tổ chức thi cử:

          Ở nước ta, từ xưa, dưới chế độ phong kiến, nhà nước cũng đã thường xuyên tổ chức các khoa thi,  mục đích là để chọn nhân tài ra giúp việc nước. Lịch sử ghi nhận khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới thời Lý Nhân Tông, cho đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) thời vua Khải Định triều Nguyễn, trải gần 900 năm. Thời đó, trường công thì ít, chỉ ở tỉnh, phủ hay huyện mới có;  còn trường tư thì rải rác khắp các thôn làng – thường do các  thầy  đồ - những Nho sinh thi hỏng,  hoặc đỗ nhưng không muốn ra làm quan,  những người  đã về hưu -  tổ chức dạy cho một nhóm nhỏ học trò, thuộc nhiều lứa tuổi.

          Nhưng thi cử không phải được tổ chức hằng năm như hiện nay, mà thường có kỳ hạn khá dài: 12 năm một lần vào thời Lý, giảm xuống còn 7 năm thời Trần và còn 3 năm từ thời Lê cho tới thời Nguyễn.  Khoa thi thường tổ chức ở tỉnh hoặc liên tỉnh cho mọi lưa tuổi từ trẻ tới già, gọi là thi Hương. Ở khoa thi này, nếu sĩ tử  vượt qua hết bốn giai đoạn  từ dễ đến khó (gọi là 4 trường) sẽ đỗ Cử Nhân (trước năm 1828 gọi là Hương Cống), nếu chỉ vượt qua 3 trường sẽ chỉ được Tú Tài (trước năm 1828 gọi là Sinh Đồ). Người đỗ đầu ở khoa thi Hương  được gọi là Giải Nguyên.

          Chỉ những người đỗ Cử Nhân ở khoa thi Hương mới được tập trung tham dự kỳ thi Hội, là khoa thi ở cấp trung ương, thường là năm sau của kỳ thi Hương. Đây được coi là cuộc kiểm tra, đánh giá cao nhất đối với nhân tài của đất nước, là “nguyên khí của quốc gia”. Do tính chất quan trọng và quyết định của kỳ thi nên thường là do bộ Lễ đứng ra tổ chức. Đỗ khoa thi này được phong là Tiến Sĩ  (trước 1442 gọi là Thái học sinh). Tuy vậy, để xếp hạng cao thấp, các vị Tiến Sĩ này phải qua một “cửa ải” cuối cùng gọi là thi Đình, là kỳ thi tại sân đình nhà vua. Ở đó, nhà vua trực tiếp ra  đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn tất việc chấm bài, cân nhắc điểm số, chính nhà vua tự tay phê kết quả.

          Tùy theo điểm số, những người đỗ Tiến Sĩ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp: Cao nhất là bậc 1 (Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp) gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa). Kế đó là bậc 2 (Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp)  gọi là Tiến Sĩ Xuất thân hay Hoàng Giáp. Sau cùng là  bậc 3 (Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp) gọi là Đồng Tiến Sĩ xuất thân. Và người đỗ đầu khoa thi Đình  được gọi là Đình Nguyên.

 

          -Về nội dung đề thi:

          Nói về nội dung đề thi cũng là nói về  nội dung của chương trình dạy và học của các thầy trò thời phong kiến nước ta, nghĩa là lấy Nho học làm nền tảng. Học trò gọi là Nho sinh. Ngay từ nhỏ, ở bậc sơ học, học trò đã phải học các sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh, Tứ tự kinh, Ngũ ngôn, Hiếu kinh,… Lớn lên bắt đầu làm quen với những sách kinh điển của Nho giáo, như Tứ thư  (Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung), sau đó đến Ngũ kinh ( Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu), rồi Bắc sử (sử Tàu) và Nam sử (sử Việt). Ngoài ra còn phải học thêm Đường thi, Tống thi, các áng văn tiêu biểu, danh tiếng trong lịch sử  Việt Nam lẫn Trung Quốc.

          Vì vậy mà nội dung  các bài thi trải qua 4 kỳ thường là:

          -Kỳ 1 : hỏi về về tứ thư, ngũ kinh

          -Kỳ 2 : hỏi về về chiếu, chế , biểu

          -kỲ 3 : làm thơ hoặc phú

          -Kỳ 4 : làm văn (gọi là văn sách)

          Xem như vậy để thấy rằng, nội dung bài vở, tri thức mà các học trò, các Nho sinh  ngày xưa phải học, phải đọc, phải viết (bằng chữ Hán) thật sự là một khối lượng khổng lồ, bao la, đòi hỏi người học phải gian nan vất vả và quyết tâm biết chừng nào mới mong có được một kết quả khả quan ở các kỳ thi. Tuy nhiên cũng từ đó, nhìn kỹ lại ta mới thấy rằng, tất cả những tri thức ấy chỉ nhắm vào một mục tiêu là đào tạo ra những con người trên nền tảng tư tưởng của Nho giáo, là rèn luyện cho con người từng bước “Tu thân, Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ”. Nói cách khác là “học làm người” để có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và tích cực hơn là đứng ra gánh vác việc nước ở mọi cương vị khác nhau, là “làm quan” để giúp cho triều đình, triều đại.

          Vì vậy, dù khối lượng tri thức có khổng lồ,  nội dung bài vở có bao la, nhưng xét ra vẫn rất hạn hẹp so với “cái học” trong thời đại ngày nay. Nó chỉ có giá trị trong phạm vi “học làm người”, trong “phép xử thế”, tất nhiên là theo quan niệm của Nho giáo. Bởi vậy, “cái học thời xưa” thường bị các nhà canh tân cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho là  “cái học từ chương vô bổ”, không thực dụng và cũng không giúp ích gì cho công cuộc canh tân đất nước và chống ngoại xâm.

          Từ đó, trong thi cử,  học thuộc lòng là cách hay nhất để làm được bài, thậm chí viết đúng từng chữ, từng câu. Lẽ tất nhiên ở các kỳ thi về thơ phú và văn sách, thí sinh cũng được yêu cầu có những “suy luận” riêng, nhưng những  “luận điểm” ấy cũng không thể nào nằm ngoài quan điểm của tư tưởng Nho giáo, của các sách đã học, đã đọc và nghiền ngẫm – vốn là “ý thức hệ” đã tồn tại hàng ngàn năm của các triều đại quân chủ phong kiến trước đây tại nước ta.

 

THI CỬ THỜI PHÁP THUỘC


 

          -Chữ Quốc ngữ

Nói đến giáo dục đào tạo và thi cử thời Pháp thuộc cũng nên biết qua về sự ra đời của chữ Quốc ngữ, bởi đây có thể xem như một cuộc “cách mạng về chữ viết” ở nước ta kể từ đầu thế kỷ 17, khi mà hàng ngàn năm trước đó văn hóa Nho học chỉ sử dụng toàn chữ Hán và sau này có thêm chữ Nôm. Chữ Hán và chữ Nôm là hệ thống chữ viết theo lối “hình tượng” xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi chữ Quốc ngữ viết theo dạng La-tinh. Chính từ nhu cầu truyền đạo mà các giáo sĩ Thiên Chúa thời ấy đã sáng tạo ra mẫu chữ viết này từ các mẫu tự La-tinh – là chữ viết có gốc gác phương Tây gần gủi của họ. Francisco de Pina và  Alexandre de Rhodes được coi là  “thủy tổ chữ quốc ngữ” trong đó người tiên phong sáng tạo là Francisco và Alexandre đã có công hệ thống hóa, chỉnh lý, thực nghiệm và phổ biến dưới hình thức những cuốn sách để giảng đạo bằng chữ Việt, loại chữ viết độc đáo này – mà hầu như ở phương Đông, chỉ có duy nhất ở Việt Nam.

Lẽ tất nhiên từ khi hình thành cho đến lúc hoàn thiện chữ viết như ngày nay là cả một quá trình lâu dài, là công trình của cả tập thể, và không thể không ghi nhận  sự đóng góp công sức của nhiều người về sau, trong đó có những tín đồ Thiên Chúa giáo người Việt. Điều lưu ý là công cuộc sáng tạo và truyền bá chữ Quốc ngữ trong bối cảnh “Hán học” của triều Nguyễn là không hề được công khai, dễ dàng, nói khác là lịch sử không thể ghi nhận một cách rõ ràng. Tuy vậy, căn cứ vào những tài liệu liên quan tới các hoạt động truyền giáo của giáo hội Thiên Chúa trước đây tại Việt Nam, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương và Nguyễn Thiếu Dũng cho rằng “chiếc nôi” cho ra đời chữ Quốc ngữ chính là Hội An (cư sở được thành lập năm 1615) và Thanh Chiêm (đô lỵ của dinh trấn Quảng Nam) thời đó. Giáo sĩ F. de Pina được ghi nhận đã đến Đàng Trong – cụ thể là Hội An vào năm 1617, rồi đến Thanh Chiêm năm 1623, và sau đó đã thường xuyên đi lại giữa hai cư sở này. Đó chính là những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để học hỏi và nghiên cứu tiếng Việt  cho các nhà truyền giáo thời bấy giờ.

 

-Về tổ chức học tập và thi cử [*]

Ngay từ khi hòa ước năm Giáp Tuất (1874) được ký, công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ Nam Kỳ, biến Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp, rồi hòa ước Qúy Mùi (1883) và Patenôtre năm Giáp Thân (1884) biến Bắc Kỳ và Trung Kỳ thành đất bảo hộ của Pháp, việc đầu tiên của thực dân Pháp là khai tử nền Nho học, vốn đang tồn tại từ lâu đời, và thay thế bằng một hệ thống giáo dục để phục vụ cho guồng máy cai trị, nằm trong ý đồ khai thác thuộc địa của họ.

Các mốc lịch sử : 1864: Kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ. 1878: Chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chính được thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ. 1915: Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ và 1919 (Kỷ Mùi) là kỳ thi Hội cuối cùng ở Trung Kỳ, đã cho thấy thực dân Pháp quyết tâm thực hiện  ý đồ đó như thế nào. Và tờ Gia Định báo, tờ Công báo bằng quốc ngữ đầu tiên được súy phủ Sài Gòn cho ra đời kể từ năm 1865 cũng nằm trong ý đồ truyền bá chữ Pháp và chữ quốc ngữ - hai chữ viết cùng một mẫu tự La-tinh.

Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) được thiết lập ở  Sài Gòn năm 1864 và Hà Nội năm 1905 để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt, rồi các Trường Hậu Bổ ở Hà Nội 1903 và ở Huế năm 1911 là những nơi đào tạo đầu tiên để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân sự cấp bách của chính quyền thực dân buổi sơ khai.

Sau đó, dần dần, người Pháp bắt đầu xây dựng tại Việt Nam một nền giáo dục, với một hệ thống lấy khuôn mẫu từ “chính quốc” nhưng được điều chỉnh và thêm bớt cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam cũng như Đông Dương và chủ yếu là để đạt mục đích khai thác thuộc địa. Hệ thống giáo dục ấy được gọi là “Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco-Indigène), ở đây là Giáo Dục Pháp-Việt, gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.

Về giáo dục phổ thông có 3 bậc học:

-Bậc Tiểu học (Enseignement Primaire) với học trình 6 năm (gồm lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, lớp Sơ đẳng, lớp Nhì năm thứ nhất, lớp Nhì năm thứ hai và lớp Nhất), trong đó học xong lớp Sơ đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire), và học hết lớp Nhất, học sinh thi bằng Tiểu Học Yếu Lược.

-Bậc Cao Đẳng Tiểu học (Primaire – tương đương  trường Cấp 2 hiện nay) với học trình 4 năm. Học xong  thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu học (còn gọi là bằng Thành Chung).

-Bậc Trung học (Enseignement Secondaire)  với học trình 3 năm. Học xong 2 năm đầu thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất và học tiếp năm cuối với học trình được phân 3 ban (Toán, Khoa học, Triết) thi lấy bằng Tú Tài toàn phần (Baccalauréat).

Về giáo dục Cao Đẳng và Đại học:

-Trường Cao Đẳng (École Supérieur): là loại trường chuyên nghiệp, đào tạo ra các chuyên viên có nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư,…nhập học ngoài hội đủ điều kiện về văn bằng, còn phải qua một kỳ thi tuyển (concours) khó khăn. Nhưng nếu trúng tuyển sẽ được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Đổi lại, sau khi thi tốt nghiệp, ra trường  phải làm việc cho chính quyền ở lĩnh vực được đào tạo trong một thời gian nhất định, nếu không, phải bồi hoàn tiền học bổng đã cấp.

-Trường Đại Học (Université): là loại trường chỉ trang bị cho sinh viên một căn bản tri thức trong một lĩnh vực nhất định nào đó nhưng không mang tính chất nghề nghiệp chuyên môn như ở trường Cao Đẳng. Nhập học chỉ cần đủ điều kiện về văn bằng là được ghi danh không qua thi tuyển, không hạn định tuổi tác và số lượng (chỉ tiêu đầu vào). Sinh viên phải tự túc về học phí và khi tốt nghiệp, cá nhân phải tự tìm kiếm việc làm.

 

-Về nội dung chương trình học và đề thi

Mặc dầu mục tiêu giáo dục và đào tạo ở thời kỳ này là để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng khác với thời phong kiến chỉ đào tạo con người biết ứng xử, biết chỉ huy, lãnh đạo, nền giáo dục thời Pháp thuộc đã bắt đầu mở rộng cánh cửa hiểu biết cho người học ra các ngành nghề chuyên môn về khoa học tự nhiên:  vạn vật học, y học, dược học, thú y, nông lâm học, công chánh, … song song với những ngành nghề về khoa học xã hội: thương mại, luật, pháp chính, sư phạm, triết học.

Qua bậc phổ thông, người học được trang bị một số kiến thức cơ bản chung chung cho mọi lĩnh vực của đời sống,  vào Cao Đẳng, Đại học, người học bắt đầu được trang bị những kiến thức chuyên môn, chuyên sâu về một lãnh vực nhất định theo sự chọn lựa của mình. Vì vậy, cho dù khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng chồng chất,  phức tạp nhưng mỗi người học chỉ theo đuổi một hai lĩnh vực, không phải ôm đồm hay quá tải.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, cũng như hệ thống giáo dục của Pháp ở chính quốc thời ấy, bên cạnh một số ưu điểm, vẫn mang nhiều nhược điểm. Về hình thức học, vẫn mang tính “học vẹt” với công thức:  người thầy trao tri thức từ sách giáo khoa và học trò tiếp nhận, ghi nhớ nằm lòng. Điểm nổi bật là hệ thống thi cử  ở cả 3 bậc học đều mang tính chọn lọc quá cao,  quá nhiều tầng nấc, khiến đầu ra bị bóp nghẹt, dẫn tới nền giáo dục thiếu đi tính đại chúng.

*Bài: NGUYÊN THANH  *Hình ảnh: sưu tầm

 [*] Đoạn này tham khảo tài liệu của Trần Bích San đăng trên Website Cỏ Thơm

 

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn