Đôi bàn tay bà thoăn thoát vuốt ve từng thớ đất sốt dẻo, đôi mắt chăm chú đến độ chẳng ai nhìn thấy bà chớp mắt đến một lần. Từ thớ đất sần sùi, qua bàn tay tài hoa ấy nó dần dần hiện ra hình hài của những sản phẩm độc đáo.
Bà Bê (bên trái ảnh) trình diễn kỹ nghệ chuốt đất cho khách du lịch xem trong một dịp Festival làng nghề ở Huế - Ảnh: T.T |
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng trong làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) chỉ duy nhất bà là người làm được và nổi danh bao nhiêu năm nay. Bà Lương Thị Bê (74 tuổi) chưa từng được nhận một tấm bằng nghệ nhân nào, nhưng với những người dân làng cổ, lâu nay họ xem bà như một người “nghệ sĩ” có biệt tài chuốt đất làm gốm. Bà Bê thường đi biểu diễn trong các dịp Festival làng nghề truyền thống. Hiện bà là người già may mắn cuối cùng của làng cổ còn giữ trong mình bí quyết chuốt đất để tạo ra gốm nung độc đáo có một không hai. Làng cổ Phước Tích được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia năm 2009. Ngôi làng này là biểu trưng của hồn quê Việt Nam qua những hàng cau trải dài xanh mướt, nhà rường cổ, đường làng trải đá, sông Ô Lâu uốn lượn... Cùng với đó là sản phẩm gốm nung độc đáo có từ thời vua Lê Thánh Tông. Bà Bê tự hào: “Cả nước có một số làng gốm nhưng gốm của Phước Tích thì không lẫn vào đâu được. Gốm làng làm ra mang hơi thở riêng”. Rồi bà kể, ngày trước làng nhỏ bé... bằng cái nắm tay nhưng nhà nào cũng làm gốm đất nung. Đất đai trong làng cằn khô sỏi đá, không cây gì có thể sống nổi, người làng một thời chỉ biết vật lộn với đất để mưu sinh. Gốm của làng làm ra nức tiếng trong vùng với các sản phảm như niêu, trạch, ấm, tộ, bình vôi, ghè chum... Các vua chúa, cung tần mỹ nữ ngày trước thường thích thú được ăn sơn hào hải vị đun nấu bằng gốm của Phước Tích. “Om ngự” là sản phẩm đặc biệt để tiến vua. “Làng nghèo, nhờ gốm mà con cái được ăn học, cuộc sống người dân khấm khá dần lên. Bởi thế dân trong làng coi trọng đến mức tôn thờ đất đai và giữ gìn các bí quyết làm gốm khỏi bị thất truyền”, bà Bê cho biết.
Trước đây sản phẩm gia dụng làm từ nhựa chưa nhiều như hiện giờ nên đò gốm bán chạy, làng nghề nhộn nhịp, phát triển. Trời tảng sáng, ven dòng Ô Lâu hiền hòa tỏa khói nghi ngút, nhiều lò nung bắt đầu đỏ lửa. Ngày làng Phước Tích phát triển đỉnh điểm về nghề cũng là ngày làng gánh chịu nhiều đau thương nhất. Bà Bê ngậm ngụi: “Thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, cũng vì khói lò gốm ở làng tỏa ra đen kịt mà máy bay giặc nghi ngờ, bay đến thả bom tan hoang cả ngôi làng. Người già và trẻ nhỏ chết nhiều vô kể. Tội nhất là những người phụ nữ trẻ, sức vóc, gánh gốm đi bán dọc đường về Phú Vang, Quảng Điền và nhiều nơi khác. Từng đoàn người nối nhau trải dài, màu gốm đỏ vô tình gây sự chú ý. Thế là máy bay địch ù ù trên không. Bom nổ, máu người và màu đỏ của gốm hòa quyện vào nhau đến đau lòng”.
Nhìn vào chiếc bát được làm bằng gốm, bà Bê nói: “Chất đất ở làng Phước Tích mềm mại, dẻo dai, nung đất lên làm gốm được bền lâu và bóng loáng. Thức ăn hay nước uống trở nên ngon hơn trong hơi men của đất”. Trong các công đoạn làm gốm, chuốt đất là công việc khó khăn vô cùng. Trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay người thạo việc. Bà Bê chia sẻ: “Chuốt đất đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, tay khéo léo một phần nhưng đôi mắt đòi hỏi sự nhanh nhạy. Có yêu quý đất, vật lộn nhào nặn qua từng năm tháng với đất mới mong thành công trong nghề này. Năm 13 tuổi, bà Bê đã bước chân vào nghề. “Hồi đó ai biết chuốt đất sẽ được thuê với tiền công cao. Nghề là của bao đời cha ông truyền lại, nếu mình không gắng gìn giữ phát huy thì có lỗi với ông bà tổ tiên lắm” - bà Bê tâm sự. Tuổi xế chiều bà Bê không nhớ rõ đôi bàn tay của mình đã cho ra bao nhiêu “tác phẩm nghệ thuật” làm từ đất. Cứ đến mùa Festival bà Bê lại được mời tham gia biểu diễn cho du khách tận mắt thấy “kỹ nghệ” chuốt đất. Bà Bê bảo: “Nhiều khi đau ốm, mệt mỏi muốn nghỉ ở nhà cho khỏe thân. Nhưng vì danh tiếng làng cổ, muốn quảng bá văn hóa làm gốm đặc sắc của Phước Tích mà gắng gượng chạy “sô” biểu diễn. Làng còn ai ngoài mình biết chuốt đất nữa đâu để nhờ”.
Ở Phước Tích, sau giải phóng, người trẻ trong làng “quảy gánh” đi lập nghiệp phương xa, làng chủ yếu là người già và trẻ nhỏ sinh sống. “Lửa” làng nghề theo đó cũng mong manh như những phận già ở làng. Người nghệ nhân già tâm sự: “Mình có tay nghề cao tất nhiên là vui rồi. Nhưng tuổi tác đã già, lũ trẻ sau này chẳng đứa nào mặn mà với nghề đã từng nuôi sống cha ông nó. Nghề muốn truyền lại cũng không có đứa nào học, nên nghĩ mà buồn”.
Thanh Tuấn
Nguồn: thanhnien.com.vn