Đang tải...
 

Khỉ và năm Thân

Con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu;  dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung một tổ tiên là loài tinh tinh xuất phát từ Phi châu. Nói khác, châu Phi chính là cái nôi của loài người...
Khỉ và năm Thân

NĂM THÂN NÓI CHUYỆN KHỈ

 


Khỉ gió - khỉ khô - khỉ mốc - làm trò khỉ - khỉ ho cò gáy - rung cây nhát khỉ - mặt nhăn như khỉ - khỉ hoàn khỉ, mèo hoàn mèo - nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà,…” Đó hầu như là tất cả những thành ngữ, tục ngữ mà người đời đã mượn hình ảnh của loài khỉ để chỉ những cái dở, cái xấu cho một tình huống của con người. Có “oan” cho loài khỉ không?

Rất “oan” đó các bạn! Bởi so trong 12 con vật dùng làm biểu tượng cho chu kỳ Thập nhị Địa Chi,  khỉ là con vật vừa tinh khôn lại vừa tình cảm nhất. Quan trọng hơn, đó chính là hình ảnh gần gũi nhất với con người so trong muôn loài.

 

§  Khỉ là tổ tiên của loài người?

 

Đúng vậy, trong các vật nuôi cũng như vô số các loài sống trong hoang dã, có lẽ không có con vật nào mà hình tượng rất giống với con người như loài khỉ. Khỉ nói đến ở đây cần hiểu là bao gồm cả họ hàng xa gần từ loài khỉ không đuôi (ape), tinh tinh (chimpanzee), khỉ đột (gorilla), vượn (gibbon) và cả đười ươi (orang-utan). Đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học thuyết phục cho thấy loài khỉ, mà cụ thể là tinh tinh, chính là tổ tiên của con người.

 

Để có được một “kết luận” đầy ngạc nhiên và thú vị như vậy là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu không mệt mỏi của các nhà khoa học từ thế hệ này sang thế hệ khác. Charles Darwin là người đầu tiên, với “Giả thuyết Phi châu” (Out of Africa hypothesis) đã cho rằng loài tinh tinh chính là người anh em họ gần nhất của con người. Nghiên cứu sâu hơn từ các loài khỉ, dựa trên các dữ liệu di truyền học – với các cấu trúc của gen và ADN, các nhà nhân chủng học ngày nay cũng đã củng cố thêm giả thuyết của Darwin. Kết quả cho thấy ADN của tinh tinh và con người trùng hợp nhau đến gần 99% (hơn hẵn cả giữa tinh tinh và khỉ đột).
                                           

Theo các tài liệu trên Ykhoanet.com, một cách tổng quát, có thể tóm tắt quá trình tiến hóa như sau: “Mười triệu năm trước đây, ở Phi châu có ít nhất hai giống khỉ sinh sống. Một giống là tổ tiên của loài khỉ đột ngày nay và một giống là tổ tiên chung của tinh tinh và con người. Khoảng 5 triệu năm sau đó, giống khỉ tổ tiên của tinh tinh và con người lại tách ra hai nhánh giống khác nhau: một là tổ tiên của loài tinh tinh hiện nay và một là tổ tiên của loài người”. 
       

 

Một trong những mô hình chân dung người cổ đại

tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Senckenberg, thành phố Frankfurt, Đức –

do các nhà nhân loại học dựng nên từ những mảnh xương hài cốt được tìm thấy
.

 

Như vậy, con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu;  dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung một tổ tiên là loài tinh tinh xuất phát từ Phi châu, cụ thể là Đông Phi, bởi vì chính nơi đây đã phát hiện những bộ xương hóa thạch của  con người cổ nhất thế giới, và chỉ có nơi đây mới có loài tinh tinh sinh sống mà thôi. Nói khác, châu Phi chính là cái nôi của loài người. Từ đó, con người, trải qua nhiều thời kỳ, vừa tiến hóa vừa tản mát ra khắp thế giới, từ con người “cổ đại” đến con người “hiện đại” ngày nay. Cũng theo “Giả thuyết Phi châu” này, con người đã di dân ra phỏi châu Phi từ 100.000 năm trước, theo “lộ trình” từ Phi sang Á, rồi từ châu Á tản mát ra khắp 4 châu còn lại.

 

Có thể đợt đầu tiên là đến vùng Trung Đông, qua Ấn Độ, đến Đông Nam Á, rồi từ đây (khoảng 55.000 năm trước) tách ra hai hướng: hướng Nam tới Úc châu và hướng Bắc đến Trung Quốc, Nhật Bản…Rồi từ vùng Bắc Á này, có thể đã di cư sang Mỹ châu. Riêng ở châu Âu, con người di dân đến đây từ ngả Tây Á  và Bắc Phi (khoảng 43.000 năm trước).

 

§  Hình tượng loài khỉ trong văn hóa

.

Khỉ  là loài động vật có vú, thuộc bộ linh trưởng, sống từng đàn, tượng trưng cho tính nghịch ngợm, hiếu động, lém lĩnh, ưa phá phách. Nhưng khỉ là con vật rất nhanh nhẹn, thông minh và có tài bắt chước.  Hình ảnh khỉ mẹ ẵm con, cho con bú, vỗ về con khiến ta không khỏi liên tưởng đến hình ảnh con người với tình mẫu tử thiêng liêng. Trong 12 con vật biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn Thập nhị Địa chi, con khỉ - năm Thân – đứng hàng thứ 9.

Trong văn hóa cổ phương Đông có “Thần khỉ Hanuman” là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Trong đó, thần khỉ Hanuman vừa là bề tôi, vừa là bạn chiến đấu đắc lực và trung thành nhất của vua Rama anh hùng chống lại quỷ Ravana. Hình ảnh của Hanuman đã được ghi tạc khắp các đền thờ ở Ấn Độ như là dấu ấn của vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí trong tay là quả chùy, biểu tượng của lòng dũng cảm.

Ở Trung Hoa thời nhà Đường, từ tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, loài khỉ trở thành biểu tượng thần thánh qua nhân vật Tôn Ngộ Không - Hầu Vương của Hoa Quả Sơn – vừa là một  nhà sư, pháp sư, vừa là chiến binh có võ nghệ cao cường, phép thuật biến hóa, từng phò giá cho Đường Tam Tạng trên hành trình gian nan đi thỉnh kinh ở Tây Thiên (Ấn Độ). Và tác phẩm này – gần đây đã được dựng thành phim với bài nhạc nền “Đường chúng ta đi” nổi tiếng, một thời từng thu hút hàng triệu khán giả, đặc biệt hấp dẫn ở lớp thanh thiếu niên, trong đó có người Việt.

Ở phương Tây hình ảnh loài khỉ trong văn hóa cổ có phần mờ nhạt…cho đến khi xuất hiện nhân vật King Kong, là con khỉ đột khổng lồ trong bộ phim khoa học giả tưởng nổi tiếng khắp thế giới của đạo diễn người Mỹ Ernest B. Schoedsack từ năm 1933 (và làm lại vào các năm 1976 và 2005). Sau đó là tác phẩm văn học “La Planète des Singes” (Hành tinh khỉ) bằng tiếng Pháp của Pierre Boulle xuất bản lần đầu vào năm 1963 – mang nội dung là một câu chuyện có tính triết lý và giáo dục sâu sắc.

 

§  Khỉ và người Tuổi Thân

 

Có lẽ vì loài khỉ từng có quan hệ mật thiết với con người từ trong cội nguồn như đã nói ở trên, nên chúng đã thụ hưởng phần lớn tính cách của con người. Ngược lại, người có tuổi Thân cầm tinh con khỉ cũng mang trong mình hầu hết những tính cách đặc biệt tích cực từ loài khỉ. Tham khảo các tài liệu, sách vở về “tướng mệnh”, đặc biệt về “tử vi”, đồng thời khảo sát trên thực tế, nhiều tác giả đã đúc kết một số tính cách chung chung của những người mang tuổi Thân, tóm lược như sau:

*Về tích cực:

- Có tri thức, thông minh, khôn khéo, tháo vác. - Vui vẻ, hoạt bát, tò mò, tinh quái, hài hước.- Giỏi giao tiếp, xoay xở  để thích nghi.- Giỏi chỉ huy, điều khiển, quản lý người khác.- Có chí tiến thủ, kiên định, quyết đoán.- Có tính độc lập, tự tin.- Thích cuộc sống sinh động, mới lạ, ồn ào tấp nập, nhiều màu sắc.

 

*Về hạn chế:

- Tự tư tự lợi, ưa chuộng hư vinh đến cực đoan. - Có phần đố kỵ, bảo thủ, cố chấp.- Không chịu sự giúp đỡ của người khác.- Làm việc theo cảm hứng, thiếu khoa học.- Tự cao, tự tôn, chủ quan thái quá.

 

Với những nét tính cách đặc biệt như trên, người tuổi Thân thường được liệt vào dạng “có tài” thiên bẩm. Rõ ràng họ có khuynh hướng “hướng ngoại” hơn là “hướng nội”. Họ thường sống lạc quan hơn là bi quan. Vì vậy người tuổi Thân dễ  có khả năng trở thành chính trị gia, luật sư, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, diễn viên, nhà kinh doanh tài giỏi, nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Và thực tế cho thấy trong lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nước Việt cũng đã xuất hiện không ít nhân tài và những người nổi tiếng – mang tuổi Thân cầm tinh con khỉ - trong các lĩnh vực sinh động vừa nêu.

 

 

§  Thay lời kết

 

Tất nhiên, cũng như các tuổi liên quan đến các con vật biểu tượng khác, đó chỉ là những “giải đoán” có tính chung chung, là những nét tính cách chỉ có tính đại diện và đại thể. Vì đằng sau đó, mỗi một cá thể tuổi Thân tất yếu sẽ có những nét riêng. Đó là vận mệnh – nôm na là phần số - của mỗi con người, không ai giống ai.

 

Những con người tuổi Thân mà “ông trời” đã hào phóng ban cho cá tính đặc biệt, độc đáo đó, cũng đừng bao giờ quên lời của Tố Như tiên sinh Nguyễn Du qua mấy câu kết của Truyện Kiều:

 

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Bài: NGUYÊN THANH - Ảnh: sưu tầm

(Trích “Về Nguồn” – Đặc san Xuân Bính Thân – 2016)

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn