HỘI ĐỒNG HƯƠNG PHONG ĐIỀN:
VỊ TRÍ MỚI – VAI TRÒ MỚI
Ban Liên lạc Đồng hương Huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, từ lúc ra đời năm 1995 đến nay đã gần 20 năm. Khoảng thời gian ấy tuy không phải là dài, nhưng Ban Liên lạc, mà người đứng đầu tổ chức lúc mới hình thành là chú Hoàng Trình, đến nay là chú Nguyễn Văn Thái, cùng với những thành viên sang lập khác, đã dày công xây dựng, vun đắp cho tổ chức xã hội này thành một nơi gặp gỡ, giao lưu không thể thiếu của bà con đồng hương tha phương Phong Điền tại thành phố này.
Vì hoạt động đồng hương thực chất là một hoạt động có tính phong trào, do ý thức tự nguyện, không có tính ràng buộc, nên việc vừa làm sao duy trì được hoạt động mà vừa còn phát triển lên được là vấn đề không hề đơn giản. Nhiều hội đồng hương đã có biểu hiện “đi xuống”, dần dần èo uột, thậm chí tan rã. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, hiện chỉ còn hai hội đồng hương huyện của Thừa Thiên-Huế là còn hoạt động : đó là Quảng Điền và Phong Điền. Bản thân hội đồng hương Thừa Thiên-Huế cũng đang trong giai đoạn khó khăn, nếu không nói là có nguy cơ “thoái trào”.
Về tổ chức đồng hương huyện Phong Điền chúng ta, vừa qua, đang trong quá trình chuyển giao “đổi mới” : cả về vị trí, vai trò, nội dung hoạt động cũng như về nhân sự. Với tư cách là một người dân Phong Điền tha phương đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, từng tham gia sinh hoạt trong đồng hương huyện, tôi xin được đóng góp một số ý kiến xây dựng như sau:
1.-Về danh xưng của tổ chức đồng hương :
Trước tiên xin nói qua một chút về danh xưng “ban Liên lạc” đã tồn tại suốt gần hai chục năm qua. Theo nghĩa tôi hiểu thì “ban Liên lạc”, cũng chẳng khác gì “ban Chấp hành” mà nhiệm vụ là để lãnh đạo, để điều hành một tổ chức. Mà tổ chức đây là gì ? Là gồm những bà con đồng hương quy tụ lại với nhau, tạo thành một tập thể, một nhóm người, hay nói rộng ra gọi là một “hội” : tức là “hội đồng hương”. Bởi vậy, dẫu chúng ta có tránh né việc dùng từ “hội” vì e ngại đụng chạm đến vấn đề pháp lý thì “hội đồng hương” vẫn cứ là một thực thể không chối cãi được.
Điều quan trọng là chúng ta hoạt động như thế nào, có mang lại lợi ích thiết thực cho các cá thể tham gia gọi là “hội viên” hay không. Có thượng tôn luật pháp hay không. Tóm lại là có đóng góp phần tích cực của hội mình để xây dựng cộng đồng và xã hội nói chung hay không. Và nếu làm được những điều tích cực như thế thì tôi nghĩ, tự nó đã phù hợp với pháp lý rồi. Bởi pháp lý là gì nếu không phải là để bảo đảm an toàn cho xã hội, cho cuộc sống hạnh phúc của người dân ?
Vậy, tôi xin đề nghị từ nay, tổ chức đồng hương huyện Phong Điền tại TP.HCM và vùng phụ cận, cần được mạnh dạn chính thức thừa nhận là một “hội” (chứ không còn là “ban liên lạc” nữa).
2.- Về vi trí và vai trò của hội đồng hương huyện trong giai đoạn mới :
Tại sao gọi là giai đoạn mới ? Bởi tình hình xã hội nói chung và tại TP.HCM nói riêng, sau gần 20 năm đã đổi khác đi nhiều. Trước đây khi mới thành lập, bà con tha phương Phong Điền tại TP.HCM và vùng phụ cận, khi nghe tin đã hồ hỡi và trực tiếp tham gia đông đảo. Nhưng rồi dần dà, các hội đồng hương làng xã, do số dân ngày một phát triển, có điều kiện, đã thi nhau ra đời. Sự kiện ấy cũng đồng thời làm giảm đi đáng kể số lượng người tham gia vào đồng hương huyện. Bởi rõ ràng đồng hương làng xã gần gũi hơn, mật thiết hơn hẵn so với đồng hương huyện. Chưa nói đến các cá nhân mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp, trước đây vốn hỗ trợ tài chính cho đồng hương huyện, nay cũng phải quay về với làng xã, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn về sau này.
Trước tình hình biến chuyển như vậy, nếu tổ chức đồng hương huyện vẫn “bình chân như vại”, không cải tiến cho phù hợp, thì e rằng đến một ngày nào đó, khi mà hầu hết các làng xã trong huyện đều đã có hội đồng hương của mình, thì đồng hương huyện sẽ có nguy cơ không còn ai tham gia, thậm chí là tan rã…
Bởi vậy, theo ý tôi, phải đặt để đồng hương huyện vào một vị trí mới trong quan hệ với các đồng hương làng xã, gắn cho hội một vai trò mới và một nội dung hoạt động phù hợp với vị trí mới đó, thì mới có cơ may cứu vãn tình hình.
Trước đây, có lúc ban Liên lạc đồng hương huyện đã tự xếp mình vào vị trí “cấp trên” theo hệ thống hành chánh, đã đòi hỏi các ban chấp hành đồng hương làng xã phải báo cáo (cả tình hình hoạt động cũng như về tài chánh, nhân sự). Sự kiện ấy đã một thời khiến các làng xã ngạc nhiên và bối rối, thậm chí không mặn mà hợp tác. Rõ ràng đồng hương các làng xã muốn hoạt động tự do và tất nhiên là tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Họ trân trọng tham gia nhưng vẫn xem đồng hương huyện cũng là một tổ chức có mục tiêu như họ, chỉ có điều địa bàn mở rộng hơn mà thôi. Đồng hương huyện muốn có dữ liệu để nắm tình hình ư ? điều đó là chính đáng, nhưng phải tự mình điều tra, tìm hiểu, hơn là “quan liêu mệnh lệnh” như vậy!
Trở lại vấn đề vị trí hiện nay của hội. Đã gọi rằng “hội” tất phải có “hội viên” hay “thành viên”. Nhưng ở tổ chức đồng hương huyện, bà con ở những làng xã đã có hội đồng hương chắc chắn là không phải trực tiếp tham gia vào đây. Vậy ai sẽ tham gia với tư cách là hội viên trong đồng hương huyện ? Rõ ràng là chỉ có các thành viên trong các ban điều hành, chấp hành của đồng hương các làng xã. Họ tham gia với tư cách vừa thành viên trực tiếp vừa là đại diện cho toàn thể bà con hội viên của họ. Và đó chính là thành phần nòng cốt của đồng hương huyện, hình thành nên ban lãnh đạo – ban điều hành – của đồng hương huyện chứ không ai khác.
Bởi vậy, có thể nói, trong hoàn cảnh ấy, chính đồng hương các làng xã đã “đẻ” ra đồng hương huyện, hay nói cách khác, không có đồng hương làng xã thì không có đồng hương huyện vậy ! Từ đó, ta có thể thấy rằng vị trí của đồng hương huyện đổi mới sẽ không hẵn là “cấp trên”,cũng không hẵn là “ngang hàng”, mà chính là “trung tâm”. Là trung tâm quy tụ các hội đồng hương làng xã. Để làm gì ? Để tạo nên một hệ thống giao lưu hai chiều gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần làm tăng hiệu quả những hoạt động của mỗi hội đồng hương.
Có người cực đoan cho rằng khi tất cả các làng xã đều có hội đồng hương rồi thì không cần phải duy trì tổ chức đồng hương huyện nữa. Tôi thì không nghĩ vậy. Vấn đề ở chỗ phải xác định lại vai trò và nội dung hoạt động của đồng hương huyện sao cho phù hợp với tình hình mới. Làm sao cho vai trò và nội dung đó không trùng lắp với làng xã. Có nghĩa là có sự phân cấp, phân nhiệm rõ ràng.
Lấy thí dụ trong công tác khuyến học : làng xã sẽ phát thưởng cho các học sinh giỏi, còn các học sinh xuất sắc sẽ vinh dự được huyện trao chẳng hạn,…cũng là một cách phân công hợp tình hợp lý. Một thí dụ nữa trong công tác giao tế : hội viên làng xã đau ốm do ban điều hành làng xã thăm viếng, còn bản thân họ sẽ do đồng hương huyện chăm sóc…
3.-Kết luận
Tóm lại, đồng hương huyện vẫn là một tổ chức đặc biệt không thể thiếu. Nó đảm nhận vai trò đầu mối giao lưu liên lạc giữa các đồng hương làng xã. Đó là nơi tạo ra môi trường hợp tác (kể cả đa phương lẫn song phương) giữa các đồng hương làng xã. Chính nó sẽ tạo không khí thi đua giữa các hội đồng hương bao quanh, để cùng nhau phát triển và cùng tiến bộ, ngăn cản những bước thụt lùi có thể có trong quá trình hoạt động.
Mặt khác, chính trong môi trường giao lưu mở rộng ấy, chúng ta thoát ra khỏi không gian hạn hẹp của lũy tre làng, vươn tầm hiểu biết xa hơn, rộng hơn về quê hương xứ sở : là huyện, là tỉnh, là lịch sử vùng đất của một thời gian khổ bất khuất từ xa xưa – vùng đất thiêng Thuận Hóa của cha ông tiên tổ, cho đến về sau này với hai cuộc kháng chiến chống đế quốc kiên cường và oanh liệt.
Đồng hành cùng với đồng hương các làng xã, tổ chức đồng hương huyện sẽ đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất hai mục đích đã được xác định trong điều lệ. Đó là : kết nối chặt chẻ bà con đồng hương tha phương với nhau, tương trợ lẫn nhau và cùng nhau hướng về quê cha đất tổ, bằng tình cảm và bằng những hoạt động thiết thực.
*Nguyễn Thanh Mạo
Đồng hương làng Kế Môn
(5/2013)