Địa chí Phong Điền - Phần thứ ba: kinh tế
Từ xưa đến nay, nghề nông luôn có một vị trí quan trọng trong xã hội. Dưới thời phong kiến, nghề nông được...
Quê tôi Đông Lâm là một làng nhỏ ở vùng đồi núi, dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Tây giáp các xã Phong Sơn, Phong Mỹ, phía Bắc giáp huyện lỵ Phong Điền, phía Đông giáp xã Phong Hiền, phía Nam giáp xã Phong An. Làng cách thành phố Huế 25km về phía Bắc, cách huyện lỵ Phong Điền 5km về phía Nam.
· Lịch sử, địa lý, dân cư*
Làng Đông Lâm có đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy song song phía Đông làng. Làng có diện tích tự nhiên khoảng 42.000 ha, phần lớn là đồi núi mấp mô. Đất nông nghiệp khoảng 200ha (5% đất tự nhiên). Dân số trước CMT8/45 khoảng 400 nhân khẩu, từ 8/1945 đến 4/1975 khoảng 600 nhân khẩu. Sau giải phóng đến 2010 khoảng 1.000 nhân khẩu.
Theo sử sách sưu tập được thì đất Đông Lâm trước đây thuộc xứ Chiêm Thành. Năm 1306, vua Chế Mân dâng 2 châu Ô và Lý để cưới công chúa Huyền Trân. Sau tiếp quản, nhà Trần đổi thành 2 châu Thuận và Hóa và di dân từ miền Bắc vào khai canh lập nghiệp.
Từ 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông bình định được giặc Chiêm ở phía Nam, đánh đuổi quân Minh ở phía Bắc, tình hình chính trị xã hội ở vùng Thuận Hóa bắt đầu ổn định thì những đợt di dân Nam tiến lớn mới có điều kiện thực hiện. Dân di cư chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số ít ở phía Bắc.
Năm 1469, đất Phong Điền thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Làng Đông Lâm có từ năm 1471 thuộc huyện Quảng Điền. Qúa trình phát triển, do dân đông đất hẹp, nên có một bộ phận di dân về phía đồi núi phía Tây sinh cơ lập nghiệp hình thành 2 làng và 1 xóm: làng Đông Lâm Hạ thuộc huyện Quảng Điền, Đông Lâm Thượng thuộc huyện Phong Điền (tức làng Đông Lâm hiện nay) và một xóm Đông Lâm thuộc xã Phong Hiền (giáp làng Rèn Hiền Lương).
Làng Đông Lâm Thượng ở vùng đồi núi, đất đai toàn sỏi đá, bạc màu, chỉ có 5% đất ở các sườn đồi mới canh tác được, nhưng lại ở vùng gió Lào, hạn hán thường xuyên, nhiều năm mất trắng, mùa lũ thì ngập trắng đồng. Dân thuần nông, không có nghề phụ, quanh năm sống nhờ khoai sắn và đốt than kiếm củi là thu nhập chính. Dưới thời thực dân phong kiến, dân đã nghèo lại phải đóng nhiều thứ thuế nên đời sống hết sức cơ cực, hơn 90% là bần cố nông, không có phú nông địa chủ. Nhà ở chủ yếu bằng tranh tre , xiêu vẹo dột nát, cả làng không có lấy một viên gạch, tấm ngói. Làng nhỏ, không có trường học nên trên 90% mù chữ.
Cả làng có 3 họ đều là họ Nguyễn, do một ông tổ sinh ra, không có tôn giáo. Bà con chăm chỉ làm ăn, sống đoàn kết keo sơn, chất phác, không rượu chè trộm cắp và các tệ nạn khác.
· Những năm dài kháng chiến
Do bản chất cần cù lại bị áp bức bóc lột nên un đúc chí khí cách mạng, từ khi có Đảng, nhân dân đã tham gia các phong trào chống Pháp, chống Nhật. Ngày 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Phong Điền, người dân đã kéo nhau đến trước Đình làng mít-tinh giành chính quyền một cách ôn hòa. 3 giờ sáng 19/8/1945 nam nữ thanh niên nô nức kéo nhau ra huyện lỵ Phong Điền (ở làng Ưu Điềm) cùng nhân dân các làng trong huyện tổ chức mít-tinh vũ trang tuyên truyền, kêu gọi ngụy quyền huyện đầu hàng và giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh huyện một cách ôn hòa, không tốn một viên đạn.
Đêm 22 đến rạng sáng 23/8/1945 nhân dân đã theo lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh huyện kéo nhau vào dự cuộc mít-tinh lớn ở sân vận động Tự Do của Huế, ra mắt chính quyền lâm thời của tỉnh Thừa Thiên. Từ đường phố đến sân vận động đỏ rực cả rừng cờ, hàng vạn người hò reo hoan hô chính quyền cách mạng. Sau mít-tinh, đoàn người tỏa ra các đường phố biểu dương lực lượng: một sức mạnh phi thường chưa từng có !
Thế là quê ta được giải phóng. Hơn 80 năm đô hộ, nay được độc lập tự do, niềm vui khó tả. Chỉ hơn một tuần, trẻ già trai gái đều tự nguyện gia nhập các tổ chức quần chúng của Việt Minh, thi đua tăng gia sản xuất, học bình dân học vụ, tổ chức văn hóa văn nghệ. Quê hương hoàn toàn đổi mới!
Nhưng ngày 19/12/1946, giặc Pháp lại gây hấn, chiếm thành phố Huế rồi tràn ra các huyện. Quê hương một lần nữa rơi vào tay giặc. Làng Đông Lâm nằm gần Quốc lộ 1A và đồn bót của giặc, bị giặc thường xuyên lùng sục, vây ráp hòng đè bẹp sức kháng chiến và tiêu diệt lực lượng võ trang. Nhân dân Đông Lâm quyết không khuất phục. Nam nữ thanh niên tham gia dân quân tự vệ, cùng lực lượng vũ trang chủ lực, tổ chức chống càn, đánh chặn giao thông, gây cho giặc nhiều tổn thất.
Từ 1949 đến 1954 Đông Lâm trở thành vùng giải phóng, là căn cứ địa cung cấp lương thực và thực phẩm cho kháng chiến, nuôi dấu cán bộ, làm bàn đạp tiến ra các làng xã vùng đồng bằng đang bị địch khống chế. Phía Bắc làng là đường giao thông huyết mạch nối với chiến khu Hòa Mỹ. Sức người sức của cung cấp cho chiến khu đều thông qua con đường chiến lược này. Nhiệm vụ của nhân dân Đông Lâm là tổ chức cảnh giới để con đường luôn thông suốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhiệm vụ vận chuyển.
Từ tháng 7/1954, Mỹ-Diệm phá hoại hiệp định Genève, lập ấp chiến lược, tổ chức tố cộng, diệt cộng, đẩy lực lượng kháng chiến lên vùng sâu trên dãy Trường Sơn. Một sư đoàn bộ binh Mỹ lập đồn đóng chốt ngay trong làng kéo ra đến phường Khánh Mỹ lên giáp làng Lưu Phước, gây nhiều khó khăn cho hoạt động kháng chiến.
Với truyền thống cách mạng, nhân dân Đông Lâm quyết không lùi bước, không hợp tác với giặc, nhà nhà đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, tạo nên tình huống ban ngày là của giặc, ban đêm là của ta. Một mặt, nhân dân lại tiếp tục cung cấp lương thực thực phẩm cho kháng chiến. Mặt khác, dân quân tự vệ phối hợp với quân chủ lực tổ chức đánh đồn, đánh chặn giao thông, gây cho địch nhiều tổn thất.
Đối với huyện Quảng Điền anh em, do địa hình toàn đồng bằng, trống trải, không có chỗ an toàn cho cơ quan kháng chiến, nên từ năm 1961, tỉnh Thừa Thiên quyết định giao làng Đông Lâm về huyện Quảng Điền quản lý, làm căn cứ địa cho huyện. Nhân dân Đông Lâm cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp góp sức người sức của cho kháng chiến ở địa bàn huyện mới.
Ngày 26/3/1975, quân Giải phóng đuổi địch rút chạy khỏi Quảng Trị, quân và dân huyện Phong Điền, trong đó có làng Đông Lâm, đồng loạt nổi dậy đánh đuổi địch rút chạy vào Huế. Quê hương hoàn toàn được giải phóng!
· Quê hương giải phóng và đổi mới
Trải qua 30 năm kháng chiến ác liệt, gian khổ, nhân dân Đông Lâm đã đóng góp sức người sức của cho Tổ quốc, đáng tự hào. Trong đó có 122 người con ưu tú đã dũng cảm hy sinh, được tôn vinh liệt sĩ, 80 là thương binh, 18 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 360 người được công nhận có công với nước. Một làng nhỏ bé nghèo khổ, dân ít – cà ông bà già vàcon nít chỉ trên 600 nhân khẩu – mà có hơn 200 thương binh liệt sĩ, gần 400 người là bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với nước, chắc toàn quốc ít có địa phương nào cống hiến cho cách mạng lớn lao như vậy.
Quê hương giải phóng, đáng tự hào và phấn khởi, nhưng làng xóm tan nát, nam thanh nữ tú hầu hết đã hy sinh hoặc mang thương tật, nhà cửa phần lớn bị giặc đốt phá hàng chục lần, chỉ còn lại những túp lều tranh ọp ẹp, xác xơ, ruộng vườn hoang hóa đầy bom đạn, kẽm gai, đồi núi trơ trọi sỏi đá.
Quyết nén đau thương, vượt qua gian khổ, với truyền thống cách mạng, được sự giúp đỡ và động viên của Đảng và nhà nước, mà trực tiếp là đảng bộ và chính quyền huyện Phong Điền, nhân dân Đông Lâm quyết vươn lên xây dựng lại quê hương. Và chỉ trong hơn 20 năm, làng xóm đã thay đổi hoàn toàn:
-Về sản xuất : Toàn bộ ruộng vườn được dọn sạch bom mìn, kẽm gai, đưa vào sản xuất. Phía Tây làng giữa hai ngọn đồi có con suối cạn, trước đây quân Mỹ từng làm con đường ngăn suối để xe cơ giới di chuyển. Sau giải phóng, được sự giúp đỡ của huyện Phong Điền, nhân dân đã gia cố nâng cao thành đập tạo hồ chứa hàng vạn m3 nước, bảo đảm nước tự chảy tưới cho toàn bộ diện tích canh tác một năm 2 vụ ăn chắc, năng suất tăng 2,3 lần. Trước giải phóng, không có hồ chứa này, dân làm ruộng chỉ nhờ trời, mà trời vùng này lại gần rốn gió Lào nên phần lớn bị hạn hán làm mất trắng, hoặc năng suất rất thấp. Nông dân đã áp dụng khoa học vào sản xuất, cơ giới hóa 70% từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, vận chuyển, nên lao động không còn cực nhọc như xưa.
Làng cũng duy trì được hợp tác xã, giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài sản xuất nông nghiệp, làng có một số xưởng cơ khí sản xuất đồ gỗ và gần chục xe vận tải nhẹ.
-Về đời sống : Tuy chưa có hộ giàu, nhưng gần 100% có mức sống trung bình, chỉ còn vài ba hộ nghèo. Đường sá đã được bê-tông hóa 100% giúp xe tải nhẹ có thể di chuyển vào tận các xóm. 100% hộ có điện, nước máy vào tận nhà, có phương tiện nghe nhìn. 100% nhà kiên cố hóa, xóa hết nhà tranh tre.
Làng có một trường mẫu giáo, trường tiểu học khang trang, cơ bản phổ cập phổ thông trung học. Có khoảng vài ba chục em đạt trình độ đại học và trên đại học. Làng có nhà văn hóa, nhà truyền thống khang trang, có nhà sinh hoạt cộng đồng và đạt được danh hiệu “Làng văn hóa”.
· Trăn trở…
Khó khăn hiện nay của Đông Lâm là một làng thuần nông, ruộng ít (2 sào/nhân khẩu), năng suất vẫn thấp, không đảm bảo đời sống. Đó là lý do khiến phần lớn nam nữ thanh niên đã ly nông, ly hương đến các thành phố lớn kiếm sống, dù thu nhập ở đó vẫn thấp và không mấy ổn định, nhưng vẫn hơn ở nhà làm vài sào ruộng, mỗi năm chỉ làm 3,4 tháng là hết việc.
Có lẽ đây cũng là khó khăn chung của nông dân cả nước và nông dân của Thừa Thiên Huế. Chỉ có Đảng và nhà nước tiến hành một cuộc cách mạng trong nông nghiệp mới giải quyết được căn bản cho nông dân mà thôi.
Dẫu sao, nhìn lại, cách mạng đã đem đến cho người dân Đông Lâm một cuộc đổi đời, cả đời sống tinh thần lẫn vật chất, mà trước đây có nằm mơ cũng không thấy. Nhân dân Đông lâm vẫn thấm thía lời dạy vàng ngọc của Bác Hồ : “ Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do”!
Tp. Hồ Chí Minh, 01/12/2013
NGUYỄN VĂN THÁI
-----------------------------------------------------------
*Tên các phân đoạn do BBT đặt
Từ xưa đến nay, nghề nông luôn có một vị trí quan trọng trong xã hội. Dưới thời phong kiến, nghề nông được...
Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự...