Đang tải...
 

ĐỤN RƠM VÀNG

Có thể nói “đụn rơm” vàng nổi lên trên nền xanh của bầu trời và hàng tre là hình ảnh đặc trưng của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam trước đây, nhất là ở vùng quê miền Trung. Hình ảnh ấy nhìn có vẻ ngộ nghĩnh nhưng đã quá quen thuộc đối với người nông dân một nắng hai sương, vì đó chính là sản phẩm của cây lúa, chỉ sau hạt thóc.
ĐỤN RƠM VÀNG

ĐỤN RƠM VÀNG:

HÌNH ẢNH ĐẶC TRƯNG CỦA QUÊ TÔI

 

     

"Gà vườn mót lúa đụn rơm
Ai quơ đun bếp cho cơm cháy vàng
Cơm cháy vàng, mạ chan nước hến
Mùi giòn thơm, thơm đến ngất ngây
Cha con cùng khảy cùng xây
Đụn rơm cao ngất tầng mây óng vàng"
(Thơ Thảo Nguyên)

      Có thể nói “đụn rơm” vàng nổi lên trên nền xanh của bầu trời và hàng tre là hình ảnh đặc trưng của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam trước đây, nhất là ở vùng quê miền Trung. Hình ảnh ấy nhìn có vẻ ngộ nghĩnh nhưng đã quá quen thuộc đối với người nông dân một nắng hai sương, vì đó chính là sản phẩm của cây lúa, chỉ sau hạt thóc.

      Kế Môn, làng quê của tôi xưa cũng đã từng in đậm hình ảnh ấy ở mỗi mảnh nương, góc vườn, mà đa phần đều có hình dạng như một chiếc nấm, và kích cỡ lớn nhỏ tùy thuộc vào lượng rơm có được. Nói khác là ruộng nhiều hay ít của gia chủ. Bởi vậy, chỉ cần đi quanh làng, quanh xóm một vòng, so sánh “đụn rơm” của từng nông gia là có thể biết ngay ai giàu có, ai  khó khăn và ai thuộc loại trung bình.

     Trước đây, khi khoa học chưa được ứng dụng phổ biến vào nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lai tạo giống, giống lúa thường đã không được thay đổi trong một thời gian dài . Ở miền Trung, ngay tại làng Kế Môn, vùng Ngũ Điền nói riêng và Phong Điền nói chung, cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài giống lúa, loại dài ngày (mỗi năm hai vụ, trong đó vụ “đông xuân” là chính) như “hẻo”, “nước mặn”…với năng suất rất thấp, nhưng thân lúa lại khá cao, có thể đến 1,2m hay hơn nếu gặp ruộng tốt và “phân tro” kỹ. Vì thế khi gặt, nông dân chỉ dùng “vằng” cắt lấy một nửa phía trên, bó lại thành bó. Phần gốc còn  lại gọi là “tót” (tức là rạ) sẽ dùng “liềm” để “bức” sau, đó là công đoạn “bức tót”.

     Bó lúa thường khá to để nông dân trai tráng khỏe mạnh chỉ có thể gánh mỗi lần vừa hai bó, đủ để “oằn” chiếc “đòn xóc” bằng tre gai khá chắc và cứng trên vai. Và “rơm” chính là sản phẩm được lấy ra từ những “bó lúa” ấy sau khi những hạt thóc đã được “tuốt” rời.

     Việc “tuốt thóc” ở làng quê tôi xưa không đơn giản như động tác “đập bồ” ngay trên ruộng như ở các nơi khác, mà rơm và tót đều được mang cả về nhà. Tùy vào lượng lúa ít nhiều, nếu chỉ vài chục bó, có thể xử dụng chân người để “đạp” (tức “chầy” cho hạt lúa rời ra). Đó là hình ảnh một, hai hay nhiều người, mình trần, hai tay vừa vịn vừa chống vào một thân tre nằm ngang trước mặt, dùng làm điểm tựa, còn hai bàn chân thì túm lấy bó bông lúa, dùng sức nặng của cơ thể, chầy qua chầy lại cho đến khi những hạt lúa rời ra hết, chỉ còn trơ lại cọng rơm. Để làm được việc này thì da hai lòng bàn chân phải thật dầy, và đây thường là công việc của cánh đàn ông, trai tráng, mà hai lòng bàn chân "quanh năm suốt tháng chân trần" vốn đã chai sẵn.

      Nhưng với số lượng lớn thì thường phải chất lúa thành thảm tròn khắp sân (cươi) và dùng trâu để “đạp”. Có thể là một hoặc là đôi trâu tùy lượng lúa và sân lớn nhỏ.  Đó cũng chính là  hình ảnh khá quen thuộc, khá là vui tếu  khi ta nhìn cảnh  một nông dân cứ dẫn con trâu đi vòng quanh, vòng quanh mãi trên thảm lúa từ xế trưa cho đến chiều tối và có lúc  phải  “dở khóc  dở cười” khi  chứng  kiến  cảnh “trâu-ẻ” (trâu ị) mà ai đó đang vừa lấy tay “bịt đuôi trâu” vừa “kêu cứu” hối thúc liên tục, nhiều khi lạc giọng, lắp bắp, đến nỗi cứ nghe như chỉ một đơn âm là “trỏe-trỏe-trỏe” ! Chưa nói đến tình huống trâu “phun” quá mạnh khiến phân phọt đầy mặt người đang ôm “đúa”  hứng phía sau !

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRCTnG-pwc1pboT9Fiy6myZF3-IN1a5h_PJrpOCxXTyKznXCeTq
Gánh lúa về

      

      Rồi khi mà thóc vàng đã phơi đầy cươi thì cũng là lúc rơm rạ cũng được trải ra đầy đường, đầy xóm : từ đường lớn cho tới đường nhỏ, từ xóm trong ra đến xóm ngoài, cả những ngóc ngách trong vườn…đâu đâu bước chân đi cũng xào xạc, vướng vít những rơm với rạ. Và mùi thóc, mùi bùn, mùi rạ ướt, rơm khô lẫn với mùi mồ hôi của cả người và vật…tất cả bốc lên dưới nắng hè, hòa quyện vào nhau tạo thành một hương vị đặc trưng của ngày mùa : vừa mặn mòi, nồng nàn, lại vừa như chua-chua, bùi-bùi, đăng-đắng mà chỉ ai có dịp trải nghiệm mới cảm nhận được.

      Đó cũng chính là không khí ấm no, hy vọng và hạnh phúc của nông dân ngày mùa, là  khoảng thời gian mà ai cũng no đủ, không ai phải chịu cảnh thiếu đói.  Đám con nít, học trò  dịp này  cũng bận rộn với bao công việc phụ giúp  ông bà, cha mẹ : “trở” (xóc) rơm, cào lúa, giữ trâu, bưng bê…mà “vinh dự” và khó nhất là công việc “đứng nóc” để xây “đụn rơm” cho gia đình.

      Vì đường kính vòng to nhất của “đụn rơm” có khi lên tới năm mét hoặc hơn, nên chiều cao của “chiếc nấm” khổng lồ này phải cao hơn để có kích cỡ tương xứng . Bởi vậy, khi xây đến tầng trên cao, việc đưa rơm lên tới nơi vốn đã khó, lại cần phải có người ở trên  thật nhẹ để có thể đứng ở ngoài rìa mà bắt lấy. Thông thường người ở dưới phải dùng loại “mỏ xảy” cáng dài để “quơ” và “đóng” rơm thành từng “về”, xong dùng sức để đưa lên; người ở trên chỉ dùng tay không chộp lấy, kéo vào, rải hết lớp này đến lớp khác, quanh chiếc “cột trụ” bằng gỗ tròn đã được chôn làm “tim” trước đó.

      Để “đụn rơm” được cân bằng và chắc chắn, sao cho sau này, dù ở phần dưới chân đụn, rơm có bị “rút” trũng vào cỡ nào (thậm chí sát đến tim, như hình ảnh phía trên), “đụn rơm” vẫn đứng vững  trước  gió bão,  người  làm động tác  rải rơm  ở trên luôn phải để ý đến một… yếu tố kỹ thuật cơ bản, đó là : rơm phải được “rủ” thật nhàu  và “rải”  sao cho thật “rối”  từ tim cột ra đến rìa ngoài để có độ “kết dính” thật cao giữa các cọng rơm với nhau và với tim trụ.

    Điều thót tim là “đường đi xuống” cho người ở trên, sau khi  đã  hoàn tất  chóp nhọn  của  chiếc nấm khổng lồ này. Có được chiếc thang dài bắc lên có vẻ an toàn, nhưng thực sự, người ở trên rất khó tiếp cận được ngọn thang để leo xuống. Ông cụ thân sinh tôi xưa thường “mạo hiểm” để tôi xuống bằng  giải pháp “tuột và hứng” : tôi cứ việc quay lưng nhắm mắt tuột đại xuống bằng bụng, và… quả thật khi tôi mở mắt ra đã thấy nằm gọn trong vòng tay của ông rồi. Tuy vậy, cũng có những lần không như mong đợi, bởi tôi quá nhát, cứ bám vào rơm nên đường rơi bị chệch hướng khiến ông cụ phải lỡ đà. Nhưng rồi tôi cũng may mắn rớt vào…đống rơm mềm đã được dự phòng bên dưới, nên cũng chẳng hề hấn gì. Bởi vậy, đối với công việc xây đụn, và riêng phần việc trải rơm ở trên cao, có thể nói bọn học trò và choai choai thường là “sự lựa chọn đúng đắn” nhất .

      Thế là xong, ngày mùa thu hoạch chấm dứt, cũng là lúc nhà nhà mọc lên các “đụn rơm” mới, để rồi những tháng ngày sau đó, rơm và tót được mang ra xử dụng, và ngày qua ngày, đụn rơm vơi đi cho đến mùa gặt sau. Quả thật, không như ở miền Nam, nơi mà ruộng lúa ngút ngàn và rơm rạ không sử dụng hết, thường phải đốt tại đồng vừa vệ sinh đồng ruộng vừa làm phân, nông dân miền Trung, với bản chất cần kiệm, đã tận dụng hết thảy  các “phụ sản” từ cây lúa, trong đó, rơm chính là chất đốt thường nhật của mọi gia đình. Chỉ những dịp  họ hàng  hay cúng giỗ, ngày Tết mới dùng đến củi nhưng cũng rất hạn chế, chỉ dành củi để đun những nồi lớn như “hông” xôi, luộc heo, bánh tét hay nấu cháo lòng họ ... Tất nhiên, rơm cháy rồi còn cho ra tro để bón ruộng chứ không mất đi, cũng như vỏ lúa lại trở thành tro trấu vậy.

      Nhưng rơm không chỉ là chất đốt không thôi mà còn dùng vào nhiều việc, trong đó rơm khô là chất ủ ấm cho gia súc, gia cầm về mùa lạnh, từ đó, cọng với chất thải hữu cơ của súc vật, hổn hợp này cũng sớm biến thành phân bón tốt cho ruộng lúa, cho ngô khoai và đậu mè, rau quả các loại.

       Còn tót (hay rạ), tuy ít được xây thành “đụn” vì tính “cứng và thẳng” của nó, nhưng ngoài những công dụng chính như đan thành tấm để lợp chòi, lợp trại, áp vách, thậm chí lợp mái nhà cho người nghèo, thì loại “phụ sản” này cũng được dùng vào nhiều mục đích tương tự như rơm.

      Mặc dầu cần kiệm, lo xa như thế, nhưng trong quá khứ, gặp những năm mất mùa vì hạn hán, lũ lụt hay sâu rầy, lúc mà cây lúa không còn gì để gặt, thì rơm rạ  dùng làm  chất đốt  vẫn thiếu hụt  trầm trọng, đến nỗi dân làng đã phải vô rú (rừng cây thấp) tranh nhau bòn vét từng mớ lá khô rụng về để “chụm” tạm qua ngày.

      Tóm lại, ngày xưa, chỉ xét về nông nghiệp thôi, cũng đủ thấy tính tự túc, tự lực của ông bà tổ tiên ta qua một quy trình khép kín thật hợp lý : lúa cho rơm rạ , rơm rạ + phân, nước tiểu gia súc = phân bón, phân bón lại bón trở lại cho cây lúa. Tương tự như vậy với cây đậu xanh, đậu đỏ mà thân cây sau khi thu hoạch, ủ chín, lại bón trở lại cho cây, rất hiệu quả.

      Chính nhờ những loại phân “chuồng”, phân “hữu cơ” ấy, đất đai thường xuyên giữ được độ mầu mỡ, không làm “chai” đất, không làm hại nguồn nước…, cũng có nghĩa là không làm hại tới môi trường sống của con người và các loài thủy hải sản.


Ngày nay, cây lúa thấp nên không còn phần rạ (tót)

 

     Ngày nay, trong quá trình phát triển chung, nông nghiệp cũng đang dần dần được “hiện đại hóa”: từ xử dụng máy móc, thủy lợi, đến phương pháp canh tác, đặc biệt trong lĩnh vực cập nhậtlai tạo nhiều giống lúa mới, ngắn ngày hơn, năng suất cao hơn, đồng thời cũng kháng sâu bệnh cao hơn. Qua đó, cây lúa ngày càng thấp hơn đã không cho rơm rạ nhiều như trước đây (đặc biệt rạ đã không còn). Bóng dáng của những “đụn rơm” lác đác vẫn thấy đó đây nhưng dần dần teo nhỏ lại. Rơm  không còn là  chất đốt chủ lực nữa, mà  đã được  thay thế phần lớn  bằng củi (được cung cấp dễ  dàng  hơn  nhờ   mạng  lưới   phương tiện  giao thông ngày càng thuận lợi). Chưa kể một số gia đình đang chuyển sang dùng điện và gas để đun nấu.

       Từ thực tế đó, ngày nay, có dịp vô rú, ai cũng thấy lá vàng rụng chất đầy bên gốc những bụi cây, năm này qua năm khác, tạo nên một lớp khá dày, vì không còn ai phải vào đây để vơ vét lá nữa. Nhiều nơi lá mục đã chuyển thành phân, khiến cho cây cối từ rú trong ra rú ngoài ngày càng tốt tươi rậm rạp hơn xưa rất nhiều. Âu đó cũng là một mặt tích cực cần được nhìn nhận trong giai đoạn phát triển hiện nay.

 

      Tất nhiên, cũng theo đà phát triển này, một ngày nào đó, hình ảnh những “đụn rơm” sẽ không còn nhìn thấy ngoài thực tế nữa. Chúng sẽ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm của mỗi người khi nhớ về quê cũ. Và… khi những ký ức và hoài niệm ấy cũng theo con người mà ra đi thì dẫu sao,  vẫn còn có bài viết này, còn hình ảnh này, dù “hay” hay “dở”, cũng sẽ là một chứng tích sinh động và đầy cảm xúc…

Bài: NGUYỄN VINH - Ảnh : nguồn internet
(Trích Đặc san "Về Nguồn" Xuân Qúy Tỵ 2013 của Hội Đồng hương làng Kế Môn tại TP.HCM)

                                                  

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn