Khỉ và năm Thân
Con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu; dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung...
Bản đồ vị trí Thừa Thiên Huế
Viết về quê hương của “một thuở thiếu thời”, nhà thơ người Kế Môn - Nam Sơn - Hoàng Đông, đã viết:
.
“Quê hương xa cách của tôi ơi
Nhớ cảnh quê xưa thuở thiếu thời
Nhớ hóng đường Ngang vào những tối
Nhớ tắm trong khe buổi nắng trời
Nhớ ngồi độn cát khi chân mỏi
Nhớ câu ngoài Khút lúc êm gió
Nhớ buổi chiều nồm đi dạo mát
Thanh bình nếp sống của quê tôi”
.
Rõ ràng trong 5 cái nhớ của ông về cảnh quê xưa được ghi lại trong bài thơ trên: đi câu rào, đi tắm khe, ngồi chơi độn cát, đi hóng tối và đi dạo chiều, thì hai cái thú sau cuối hẵn là nói đến ngọn gió Nồm. Bởi vì “hóng” đây chính là hóng gió, mà gió đây phải là gió mát, tức ngọn gió Nồm (chứ không thể là gió Lào nóng hay gió Bấc lạnh được). Cũng bởi ở ngôi làng quê của ông trên đất Phong Điền – Thừa Thiên Huế, quanh năm cũng chỉ có ba ngọn gió: gió Lào mùa Hè, gió Bấc mùa Đông và gió Nồm thổi phụ họa xen kẻ.
.
Nhìn vào bản đồ địa hình của Việt Nam và khu vực, rồi xác định tiêu điểm là vùng Thừa Thiên Huế, đặc biệt trên địa bàn huyện Phong Điền, sẽ thấy rằng nơi đây quanh năm bị tác động bởi hai mùa gió chính là gió mùa Hè và gió mùa Đông. Gió mùa Hè (thổi từ khoảng tháng 4 đến tháng 9) từ hướng Tây Nam, mang theo hơi nóng, còn gọi là gió Lào; và gió mùa Đông (thổi từ khoảng tháng 9 đến tháng 4 năm sau) từ hướng Đông Bắc, mang theo hơi lạnh gọi là gió Bấc. Ngoài hai mùa gió ấy, trong những ngày ngưng nghỉ giữa mỗi mùa gió hoặc chuyển tiếp giữa hai mùa gió nóng lạnh kể trên, lại xuất hiện một chiều gió khác xuất phát từ hướng Đông Nam – mà đối với Thừa Thiên Huế chính là hướng của biển Đông. Đây chính là ngọn gió Nồm mà ta đang nói tới.
.
§ Tại sao lại gọi là gió Nồm?
.
"Gió Nồm" là từ mà dân gian quen gọi, nhưng cho đến nay chưa ai có thể khẳng định một cách chắc chắn về xuất xứ của từ “nồm”. Để trả lời câu hỏi này, cần nhắc tới một vài dữ liệu. Ca dao Việt Nam ta đã có câu:
.
Gió nồm là gió nồm nam
Trách chàng quân tử ăn tham chả mời…
.
Trong bài thơ. “Thiếu nữ ngủ ngày”, nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã viết:
.
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng”…
.
Mặt khác, ông bà ta xưa ở vùng đất Thừa Thiên cũng hay nhắc tới ngọn gió “đông nồm”. Vậy thì có lẽ nồm nam, nồm đông hay đông nồm cũng chỉ là tên gọi của cùng một ngọn gió - nói tắt là gió Nồm. Và bởi vì gió thực ra không đơn giản chỉ thổi từ một hướng nhất định mà thường có sự chuyển vần. Chẳng hạn gió Đông Bắc không hẵn chỉ là Đông Bắc từ đầu tới cuối mùa, mà đôi khi là Bắc Đông Bắc, chính Bắc hay chệch sang cả Tây Bắc. Gió Tây Nam cũng vậy, có khi là Tây Tây Nam, mà cũng có khi chệch sang Nam Tây Nam,… tùy thời điểm, tùy vào sự tuần hoàn của các khối không khí nóng và lạnh. Vì gió là gì nếu không phải là kết quả của hiện tượng tương tác giữa nhiệt độ và áp suất không khí ở các vùng?
.
Trong lúc đó thì trong dân gian, bản thân người nông dân cũng khó mà xác định được chính xác 100% hướng đi đích thực của gió, bởi trong một phạm vi nhỏ hẹp, yếu tố địa hình cục bộ cũng đã làm chệch hướng đi tức thời của gió rồi: Đông Nam hay Nam thì người nông dân vẫn có thể hiểu gần như nhau. Vì vậy, gió Nồm – tức gió Đông Nam – có thể xoay vần từ Nam sang Đông và ngược lại, mà có lúc được hiểu là gió Nam.
.
Về lai lịch của từ “Nồm” này, có thể trích dẫn thêm một dữ liệu từ trong báo “Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn”, số 178, ra ngày 24/11/1932. Ở đó, GS. Phan Khôi, trong bức thư trả lời cho một độc giả, đã viết như thế này: “Kêu bằng “nồm”, có lẽ chữ “nồm” ấy do chữ “nam” mà ra. Gió nồm tức là gió nam vậy. “Tiếng Nam” hay là “chữ Nam”, nghĩa là tiếng hoặc chữ của nước Nam, thì tục ta quen kêu bằng “tiếng nôm” hay “chữ nôm”. Do chữ “nôm” ấy mà chuyển ra “nồm”. Gió hướng Nam thì gọi là “gió Nồm”…
.
§ Gió Nồm “mát” cỡ nào?
.
Người ta hay dùng tính từ “mát rượi”, “hây hây” (còn Hồ Xuân Hương thì “hây hẩy) khi đứng trước ngọn gió Nồm và cảm thấy cái mát mẻ ấy như thấm dần vào trong da trong thịt. Vậy nhưng bản thân gió Nồm thổi từ hướng Đông Nam của Thừa Thiên Huế - vốn là hướng biển Đông, không hẵn hoàn toàn là “mát rượi” như con người cảm nhận. Bởi gió biển thường mang theo không khí nóng và ẩm. Chính không khí nóng và ẩm trong gió làm cho da thịt con người dịu lại, “mát” lại. Khác với không khí nóng và ẩm của gió Lào trong mùa Hè, khi băng qua dãy núi Trường Sơn thì hơi ẩm đã bị giữ lại ở Tây TS, Đông TS chỉ còn lại hơi nóng.
.
Khi đang trải qua mùa Hè nóng bức với gió Lào mà ở giữa hay cuối mùa nóng này (tháng 8-9) lại may mắn gặp được ngọn gió Nồm thì cảm giác “dễ chịu” là điều hiển nhiên. Cái “dễ chịu” ấy chính là cái “mát” mà con người cảm nhận. Tương tự, khi đang trải qua một mùa Đông lạnh buốt mà ở giữa hay cuối mùa lạnh này (tháng 3-4) bất chợt gặp được ngọn gió Nồm thỉ cảm giác cũng “tuyệt vời” biết bao. Lúc này cũng là “dễ chịu” nhưng là ở trạng thái “ấm” chứ không phải là “mát”. Vì vậy mà trong sách xưa, như “Đại Nam nhất thống chí” còn gọi gió Nồm (tức gió Đông Nam) là gió ấm.
.
Xem như vậy, đứng trước ngọn gió Nồm, lúc nào con người và vạn vật cũng có cảm giác dễ chịu cả. Đó chính là tình huống “đang nóng mà bớt nóng – tức là “mát”, hay đang lạnh mà bớt lạnh – tức là “ấm” vậy. Nó như là một “ân huệ” mà thiên nhiên đã chiếu cố, an ủi cho vùng đất này, sau khi đã tước đi mọi điều thuận lợi, biến vùng đất Ô Lý này thành một nơi thử thách khắc nghiệt nhất cho người dân bản địa- người dân Thừa Thiên Huế.
.
§ Gió Nồm Miền Nam ?
.
Nhớ ngọn gió Nồm mơn man da thịt khi tản bộ dạo mát trên đường quê, dưới cổng làng. Nhớ ngọn gió Nồm bất chợt lúc chiều về làm tiêu tan bao nỗi nhọc nhằn của một ngày vất vả...Rồi chợt nhớ những vần thơ quen thuộc của Bàng Bá Lân:
"Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy, mây vàng êm trôi..."
.
Nhớ, rồi có khi cũng ngẫu hứng mang ra so sánh với ngọn gió trên đất Sài Gòn. Hai ngọn gió có điểm tương đồng là cùng thổi từ hướng Đông Nam – cũng là hướng biển đối với thành phố này. Sài Gòn ngột ngạt, Sài Gòn nóng bức thì ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được rằng, hằng ngày. bất kể là mưa hay nắng, nóng đến cỡ nào, thì cứ đến 5 giờ chiều là Sài Gòn đã bắt đầu “mát rượi”.
.
Có lẽ đây cũng là điều kiện thuận lợi cho cuộc sống về đêm độc đáo trên đất Sài Gòn: một cảnh sống nặng phần giải trí, hưởng thụ đa dạng, đa sắc màu, sôi động còn hơn cả ban ngày, khiến Sài Gòn từng được mệnh danh là thành phố không hề ngủ. Nó cũng bộc lộ rõ nét nhất khoảng chênh quá lớn giữa cái giàu và cái nghèo trong xã hội: một bên thì vung tiền ăn chơi xả láng, còn bên kia thì thức trắng để kiếm bát cơm. Đó cũng là nhờ, là vì ngọn gió Đông Nam thổi qua từ biển Vũng Tàu - mà tôi cũng chẳng ngại gì không đặt cho nó cái tên là ngọn gió Nồm Sài Gòn – gió Nồm của miền Nam! Chỉ có khác là gió Nồm ở quê mình không làm cho ai thức trắng, chỉ làm cho người ta ngủ ngon hơn mà thôi.
.
*Bài: NGUYÊN THANH
Con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu; dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung...
Ơi hỡi gió, thổi chi nhiều rứa hử ?!. Ừ, Phong Điền-“ Đồng Gió”, gió mênh mang… Chỉ trách mây giang hồ mơ...
Đừng, xin đừng vô cảm. Hỡi người ơi ! Mong giữ lại bóng tre, để quê còn trông nhớ....