Đang tải...
 

Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và trưởng thành trên vùng đất này, cũng có những người sống xa quê chỉ gắn bó với quê hương trong một tình cảm về cội nguồn, như Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử.
Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

ĐỊA CHÍ PHONG ĐIỀN

NHÂN VẬT LỊCH SỬ - VĂN HÓA

(tiếp theo)

 

16.      Nguyễn Tri Phương (1800- 1873)

Xuất thân gia đình thợ mộc ở làng Đường Long (tức Chí Long, xã Phong Chương), nguyên tên Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Ban đầu làm thư lại tại huyện rồi chuyển vào Thừa ty ở phủ Nội vụ năm 1823, thăng lên Tham tri Bộ Lễ (1837). Năm 1840 làm Thự Tuần phủ Nam Ngãi, năm 1841 lại làm Tuần phủ An Giang, đẩy lui quân Xiêm xâm lược, rồi Tổng đốc Long Tường (1842), giữ yên bờ cõi phía Nam và giúp dân khai thác ruộng đất.

Năm 1850, cử làm Kinh lược Nam Kỳ, lãnh Tổng đốc Định Biên, kiêm coi hai đạo Long Tường, An Hà, dâng sớ xin mở đồn điền, lập ấp nơi đây. Năm 1853 về Huế, thăng Đông Các đại học sĩ. Khi Pháp đánh Đà Nẵng (1858), ông làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam cùng các tướng lo chống cự. Năm 1860, Pháp tiếp tục đánh Nam Kỳ, ông được cử vào đối phó, lập đại đồn Kỳ Hòa. Năm 1862, Pháp dốc lực tấn công, đại đồn thất thủ, ông bị thương, em là Nguyễn Văn Duy tử trận. Tiếp đó triều đình ký hàng ước, ông lại ra Bắc Kỳ chỉ huy việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy. Khi Pháp đánh Hà Nội, ông đã ra sức chống giữ, nhưng thành vỡ, ông bị thương nặng, không chịu để giặc băng bó, ông nhịn đói tử tiết một tháng sau vào ngày 20-12-1873. Triều đình cho binh phu hộ tống linh cửu về quê án táng. Ít năm sau, vua Tự Đức cho dựng Trung Hiếu từ ở Chí Long để thờ tự cả 3 vị anh, em và con, gọi là đền Tam Trung. Nay đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

17.      Nguyễn Văn Duy (1810- 1861)

Hiệu Nhữ Hiên, em ruột Nguyễn Tri Phương. Khởi nghiệp đi làm thấy đồ. Năm 1841 đỗ Cử nhân, năm sau đỗ Tiến sĩ, được bổ Hàn lâm viện biên tu, năm 1845 làm Tri phủ Tân An, 1847 Tri phủ Quảng Hóa, rồi Tri phủ Quảng Ninh (1849). Năm 1851 làm Hàn lâm viện thị độc, sung kinh diên khởi cư chú, giúp vua Tự Đức học tập, rồi làm thị giảng, sung Phó sứ đi Trung Quốc. Năm 1855, trở về thăng Hồng Lô tự khanh, sung Biện lý Bộ Lại. Năm 1856, giặc Pháp gây hấn ở Đà Nẵng, ông được cử vào cùng Đào Tri Phú lo việc bố phòng và đàm phán. Khi Pháp tấn công, Nguyễn Tri Phương từ Nam Kỳ ra chỉ huy chống giữ, ông lại xin vào góp sức. Khi Pháp lại tấn công Gia Định, ông được cử vào làm Tán lý quân vụ Định Biên, cùng các quan lo việc chống cự, xây đồn Phú Thọ. Ngày 25-2, đồn Kỳ Hòa vỡ, Nguyễn Văn Duy bị tử thương. Về sau đã cải táng ở quê nhà tại thôn Chánh An.


Chân dung Nguyễn Tri Phương

 

             18. Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888)

Tuy sinh tại Gia Định, nhưng quê cha tại Bồ Điền (Phong Điền), và chính tại quê hương này, văn tài của ông đã được un đúc. Năm 11 tuổi ông được cha đưa về quê ăn học suốt 10 năm mới trở lại Gia Định thi đỗ Tú tài. Năm 25 tuổi lại về quê chuẩn bị thi tiếp thì được tin mẹ mất, phải trở về thọ tang, dọc đường ông ốm nặng và khóc thương mẹ nên mắt mù. Ông bắt đầu học đông y, trở về Gia Định dạy học và bốc thuốc. Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông trở về quê vợ ở Cần Giuộc. Khi Pháp tiến đến Cần Giuộc, ông lại về Ba Tri (Bến Tre), tiếp tục dạy học, làm thuốc và làm thơ văn cổ động tinh thần giết giặc cứu nước và cảnh tỉnh người đời. Tác phẩm gồm có: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh…

 

19. Nguyễn Hữu Hào (thếkỷ XIX)

Trước tên Nguyễn Hữu Văn, người làng Ưu Điềm. Thi đỗ Cử nhân năm 1841. Đã từng làm Tri huyện Nam Chân. Về sau làm Biện lý Bộ Lại, bị lỗi phải bãi chức. Trong  thời gian làm Tri huyện Nam Chân (nay thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định) có sưu tầm những chuyện dân gian truyền kỳ ở vùng này, viết thành Nam Chân tạp ký, gồm 16 chuyện rất ngắn có tính chất hoang đường. Ngoài ra ông còn có tập thơ Nam Chân  lục vịnh.

 

20. Hoàng Ngọc Chung (thế kỷ XIX)

Người Phong Điền. Lúc trẻ am hiểu võ nghệ. Ban đầu làm thơ lại trong phủ hoàng tử Hồng Nhậm, rồi chuyển sang thị vệ, làm Vệ úy sung hiệp lĩnh thị vệ. Năm 1859, Pháp đánh Gia Định, vua Tự Đức chọn đi làm Tán tương quân vụ nơi đây. Tháng 4-1859, Pháp tấn công Phú Thọ hữu đồn, ông đã tử trận. Được truy tặng Thống chế, thờ trong Trung Nghĩa từ.

 

21. Nguyễn Trung (?- 1883)

Người Phong Điền. Dũng cảm, mưu lược, năm 1853, vào lính được bổ Đội trưởng, thăng dần lên Cai đội, rồi Vệ úy. Năm 1883 được Thự chưởng cơ, cùng với Hữu quân Lê Sỹ, Thống chế Lê Chuẩn cầm quân đóng giữ cửa Thuận An. Khi Pháp đánh vào cửa Thuận An, thành Trấn Hải bị thất thủ, cả ba đều hy sinh. Ông được truy tặng Chưởng vệ, thờ ở Trung Nghĩa từ.

 

22. Nguyễn Văn Cao (thế kỷ XIX)

Quê Thanh Hóa, là một thợ cả giỏi về nghề chạm, nghề mộc, bịt trống, khảm cẩn, được tuyển vào làm ở Mộc tượng ty ở Kinh thành Huế dưới đời Minh Mạng. Con trai của ông là Nguyễn Văn Thọ tiếp tục nghề nghiệp gia truyền, lấy vợ thuộc dòng họ Lê Độ ở làng Mỹ Xuyên, Khi mãn hạn dưới triều Tự Đức (1848-1883) hai ông trở về định cư tại làng Mỹ Xuyên và truyền nghề cho trai tráng trong làng, trở thành hai vị Tổ của nghề mộc chạm Mỹ Xuyên.

 

23. Đặng Huy Trứ (1828-1874)

Quê tổ là Hiền Sĩ, nhập tịch Bác Vọng, cư trú Thanh Lương. Ông là con của thầy đồ Đặng Văn Trọng, Học giỏi, thông minh, tự là Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân và Tĩnh Trai. Ông đỗ thi hương năm 1843, dự khoa thi hội 1844 được trúng cách, nhưng vào thi đình bị quy là phạm lỗi “khiếm trang” khi có dùng 4 chữ “gia miêu chi hại”, trùng với tên làng của vua chúa nhà Nguyễn, nên bị cách tuột cả Cử nhân. Sau mấy năm dạy học, ông lại thi và đỗ đầu  khoa thi hương năm 1847. Trong lúc chờ bổ, ông đã từng ra dạy học ở Mỹ Xuyên và Ưu Điềm. Từ 1855 bổ quan, trải qua nhiều chức vụ, đã từng sang Hương Cảng thám thính tình hình các nước phương Tây. Ông là người có đường lối đổi mới, cách tân đất nước, chú trọng thương nghiệp. Cũng là người mở hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội, được xem là ông tổ nghề nhiếp ảnh. Năm 1871, ông làm Bang biện quân vụ Lạng Bằng Ninh Thái, theo Hoàng Kế Viêm đánh giặc ở biên giới. Năm 1873, Pháp đánh vào Hà Nội, quân ta thất bại, ông cùng Hoàng Kế Viêm rút về căn cứ Đồn Vàng tổ chức chống giữ. Nơi đây ông bị bệnh và mất ngày 7-8-1874, được đưa về an táng tại Hòn Thông, làng Hiền Sĩ. Viết rất nhiều tác phẩm văn thơ và đã khắc in vào năm 1868, nổi bật là Đặng Hoàng Trung văn sao thi sao. Mộ và nhà thờ ông đã được cấp bằng Di tích lịch sử Quốc gia.


Chân dung Đặng Huy Trứ

 

24. Trương Như Cương (1844-1919)

Người làng Hiền Lương, đỗ Cử nhân năm 1867, được bổ làm Thừa biện ở viện Tang Thơ, trải qua nhiều chức thuộc quan, đã thăng lên Án sát Hưng Yên, Bố chánh Quảng Bình rồi Thị lang Bộ Binh. Sau 1885, làm Phủ doãn Thừa Thiên, rồi Tuần vũ Thanh Hóa và Tổng đốc Thanh Hóa. Đời Thành Thái lại về triều làm Thượng thư Bộ Công, sung đại thần Viện Cơ Mật, rồi Thương thư Bộ Lại, thăng Võ Hiển đại học sĩ, tước Hiền Lương Bá, sung Phụ chính đại thần. Đời Duy Tân, được phong tước là Hiền Lương Hầu. Năm 1917 dâng sớ xin hồi hưu. Cách năm sau tạ thế, thọ 76 tuổi, được tặng Văn Minh điện đại học sĩ.

 

25. Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898)

Người làng Kế Môn, con của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai (1816-1876) – Tổng đốc Ninh Thái. Ông thông minh, học giỏi, nhưng không theo đường khoa cử. Ông đọc được nhiều sách mới, từ đó chủ trương canh tân đất nước. Ngay từ năm 25 tuổi, ông đã gởi lên Triều đình bản điều trần Thời vụ sách thượng. Năm 1882 lại dâng lên bản Thời vụ sách hạ. Năm 1884, lại cùng với Phạm Phú Đường dâng thơ lên các quan phụ chính đại thần. Cuối Thu năm này ông đã tập hợp các điều trần và thơ trên, đặt tên là Qùy Ưu lục. Năm 1892, nhân kỳ thi Hội có đề thi hỏi về thế giới, dù chẳng thi, nhưng nhân việc này ông đã viết bài Thiên hạ đại thế luận để cảnh tỉnh sĩ phu. Năm 1895, ông đi vào Phan Thiết, dự định cùng Trương Gia Mô xuất dương nhưng không thành. Trở về, ông đã bị bệnh và mất ở Bình Định vào ngày 17-2-1898.


Mộ Nguyễn Lộ Trạch tại làng Kế Môn

 

26. Hồ Tá Bang (1895-1942)

Quê làng Kế Môn, Phong Điền, cư trú ở Phan Thiết, là một nhân sĩ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. Thời niên thiếu ông theo học văn nho nhưng không dự thi. Năm 1888, ông làm Ký lục tại Tòa sứ Phan Thiết. Năm 1905,  hưởng ứng phong trào Duy Tân, ông cùng các đồng chí lập trường Dục Thanh và công ty Liên Thành ở Phan Thiết. Những hoạt động kinh tế và giáo dục này nhắm thúc đẩy việc duy tân, cứu nước. Tháng 8-1910, ông cùng Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp. Khi trở về, ông tiếp tục điều hành trường Dục Thanh. Mất năm 1942, mộ phần của ông nằm cách thành phố Phan Thiết 10km.

        (Cụ Hồ Tá Bang có một người con trai là Hồ Tá Khanh (1908-1996), tốt nghiệp bác sĩ y khoa Paris, từng giữ chức bộ trưởng kinh tế dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (1945), và một người con gái tên là Hồ Thị Tường Vân, trước sống ở Pháp, gần đây sống ở TP.HCM, hội viên cao tuổi hội đồng hương làng Kế Môn, mới từ trần hôm 8/3/2014 - Ghi thêm của BBT)

 

27. Lê Văn Miến (1874-1943)

Người làng Ông La, xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Là họa sĩ hiện đại đầu tiên và cũng là một nhà giáo cao cấp cuối thời phong kiến, người đã gắn bó với mảnh đất Phong Điền trong những năm cuối đời. Năm 1888, ông là một trong 3 thiếu niên được chọn đi du học Pháp, tại trường Thuộc địa ở Paris. Sau đó ông lại tiếp tục học hội họa ở trường mỹ thuật Paris. Năm 1895 về nước, trải qua 3 năm làm công cho một cơ sở in tại Hà Nội, rồi một năm làm thư ký cho Đào Tấn – Tổng đốc An Tĩnh, ông được cử làm Đốc giáo trường Pháp Việt ở Vinh. Năm 1902 lại vào Huế làm Hành tẩu Bộ Công. Hai năm sau trở lại trường Pháp Việt ở Vinh cho đến 1907. Từ năm 1907 đến năm 1913 dạy vẽ và Pháp văn ở trường Quốc Học Huế. Năm 1913 lại bị điều làm trợ giáo, rồi Phó đốc giáo trường Hậu Bổ ở Huế cho đến năm 1921, được thăng làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám. Năm 1929, do mắt mờ, ông đã xin nghỉ hưu, được tặng hàm Lễ bộ Thượng thư trí sự, tước Tư thiện đại phu. Lúc này ông đã chọn mua đất khai hoang ở xứ Trường An (nay là làng An Thôn). Từ đó thỉnh thoảng ông ở tại đây, hay về Thế Chí Đông và về Huế tùy theo sức khỏe. Năm 1939, các học trò cũ ở 3 trường Quốc Học, Hậu Bổ và Quốc Tử Giám đã mua tặng ông một ngôi nhà ngói vách ván ở cạnh chợ Trạch Tả và ông đã ở nơi đây đến khi mất, ngày 6-6-1943. An táng tại sinh phần đã chọn ở xứ Trường An.

Ông là họa sĩ hiện đại đầu tiên của hội họa Việt Nam, còn để lại nhiều tác phẩm xuất sắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như bức Bình văn, Chân dung cụ Tú Mền.


Chân dung Lê Văn Miến

 

28. Trần Đình Bá (1870-1934)

Quê làng Hiền Lương, xuất thân nhà nghèo nhưng có chí học tập, đỗ Cử nhân năm 1897 và đỗ Phó bảng năm sau dưới triều vua Thành Thái. Trải qua nhiều chức thuộc quan, đã thăng lên Án sát Thanh Hóa, Bố chánh Hà Tĩnh, Thị lang Bộ Hình, Bố chánh Quảng Bình, Tuần vũ Quảng Ngãi, Tổng đốc Nghệ An, và thăng Hiệp tá đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Hình, sung Cơ Mật Viên đại thần. Dù làm quan vào thời thực dân thống trị, nhưng ông đã giữ vững tiết tháo, làm được nhiều việc bênh vực cho dân và sĩ phu. Năm 1925, ông đã xin cáo quan trở về.

 

29. Lê Nhữ Lâm (1881-1963)

Quê làng Vân Trình, xuất thân ấm sinh, thi đỗ Cử nhân năm 1906 triều Thành Thái. Trải qua các chức thuộc quan, thăng lên đến Hàn lâm viện thị giảng và sung chức Giảng tập cho Hoàng tử Vĩnh Thụy. Đã theo Vĩnh Thụy sang Pháp trong suốt thời kỳ du học. Năm 1933, trở về nước, được bổ làm Tổng tài Quốc Sử quán, chỉ đạo việc biên soạn các phần tiếp theo của bộ Đại Nam thực lục. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở về quê cư trú, sống bình dị mộc mạc giữa xóm làng, đến năm 1963 mới qua đời.

 

30. Thanh Hải (1930-1980)

Quê làng Phò Trạch. Tên thật là Phạm Bá Ngoãn, xuất thân trong một gia đình nghèo, cha làm nghề dạy học trường tổng. Ông học trường Trung học Bình dân ở Liên khu V, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Chính trị viên đoàn Văn công Thừa Thiên, rồi ở lại tham gia kháng chiến chống Mỹ, trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Là một nhà thơ tiêu biểu trong văn học chống Mỹ ở miền Nam. Tác phẩm gồm có Những đồng chí trung kiên (1962) gồm những bài thơ viết trong giai đoạn cách mạng miền Nam gặp khó khăn (1954-1959). Năm 1965, ông được tặng giải thưởng Văn học Nguyuễn Đình Chiểu. Các tập thơ tiếp theo là Dấu võng Trường Sơn (1997), Mùa xuân đất này (1982). Cho đến cuối đời, thơ ông vẫn tràn đầy sức sống. Ông lâm bệnh mất ngày 15-12-1980.

 

(Trích đăng từ “Địa Chí Phong Điền”, phần thứ tư, chương bảy)

Ban Biên Tập

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

  • Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

    Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

    Học rộng, tài cao của Ngài Nguyễn Duy Năng không chỉ thể hiện trong việc ổn định, xây dựng phát triển kinh tế,...

  • Nhân vật lịch sử - văn hóa

    Nhân vật lịch sử - văn hóa

    Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và...

  • Nguyễn Lộ Trạch

    Nguyễn Lộ Trạch

    Sống một đời ưu tư vận nước Chết an phần một nấm đơn sơ

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn