Đang tải...
 

Xuôi dòng Ô Lâu

Xuôi dòng Ô Lâu
Theo cuốn “Địa chí Thừa Thiên Huế”: “Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên ở độ cao tuyệt đối xấp xỉ 905m, có chiều dài dòng chính 66 km, diện tích lưu vực 900 km2, độ dốc trung bình lưu vực trên 13m/km (ở phạm vi đồi núi trên 19m/km). Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến Phò Trạch chuyển hướng Đông Nam - Tây Bắc cho tới Phước Tích (chỗ hội lưu với sông Thác Ma), sau đó chuyển hướng Tây Nam - Đông Bắc cho đến Vân Trình lại chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào phá Tam Giang ở cửa Lác.”
Sông Ô Lâu đoạn từ Phước Tích đến Vân Trình nước luôn đầy và trong xanh; bờ bên này là những làng quê của Thừa Thiên bên kia là những làng quê Quảng Trị. Nhưng có một đoạn, một xóm dân cư của Quảng Trị lại lạc qua bên này sông và ngược lại có một xóm của Thừa Thiên lại ở bên đất Quảng Trị. Tương truyền, thời đầu nhà Nguyễn sông Ô Lâu đã nắn dòng nên mới có sự hoán đổi địa lý thú vị này.
 
Hai bên bờ Ô Lâu là quê hương của nhạc sĩ Trần Hoàn (Hải Lăng) và nhà thơ Thanh Hải( Phong Điền). Điều thú vị là nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc rất thành công bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải . Tất nhiên những câu thơ đẹp: " Mọc giữa dòng sông xanh- Một bông hoa tím biếc- Ơi con chim chiền chiện- Hót chi mà vang trời" là viết về sông Hương nhưng mỗi lần giai điệu bài hát này vang lên trong những ngày xuân là tôi cứ miên man về dòng Ô Lâu nơi đã tắm mát tuổi thơ của hai nghệ sĩ..
 
Trên con đường thiên lý Bắc Nam, thì dòng sông Ô Lâu  đã chứng kiến cảnh Huyền Trân Công Chúa bái biệt nước non Đại Việt để ngàn dặm ra đi về làm dâu Chiêm Quốc. Bây giờ, những ngư dân bên dòng Ô Lâu trong những lần đánh cá vẫn thường nhặt được những hiện vật đồ gốm cổ dưới lòng sông này. Làng Phước Tích còn gọi là làng Gốm bởi vì nghề gốm chính là nghề đã làm giàu cho người dân làng quê này.Kể từ khi được giáo sư Hoàng Đạo Kính phát hiện, cứ 2 năm một lần, làng cổ Phước Tích mở hội để vui cùng Festival Huế. Đúng như tên gọi của lễ hội là "Hương xưa làng cổ", những người khách dù gần hay xa đều đến với ngôi làng hơn 500 tuổi này để tìm chút hương xưa của làng quê Việt vẫn còn hiện diện còn khá vẹn nguyên bất chấp những biến động của thời gian...
 
Điều đặc biệt mà mỗi du khách đến với làng cổ Phước Tích cảm nhận được là mỗi một người dân làng Phước Tích đều có thể kể rành mạch đến lịch sử hình thành và phát triển của ngôi làng thân yêu cũng như những ngôi nhà rường kiểu Huế của mình. 
 
Có lẽ những ngã ba sông đều đẹp cả. Sông Ô Lâu cũng vậy, ngã ba sông là một bức tranh lớn với những lau lách, ruộng lúa và những nhánh sông nhỏ. Sông Ô Lâu đoạn này tạo thành một khúc quanh mềm mại ôm lấy những bờ mưng, bờ cừa của làng Vân Trình rồi xuôi thẳng một dòng qua Thanh Hương, Vĩnh Xương, Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí bên kia sông;  hay Vân Trình, Ma Nê, Lương Mai, Chí Long bên này sông trước khi sông rẻ nhánh ở Cửa Lác hoà mình vào dòng mênh mông của phá mẹ Tam Giang...Những địa danh hai bên bờ Ô Lâu  cũng đã sinh ra những danh nhân kiệt xuất và hiện lăng mộ của các danh nhân đang là những di tích văn hóa lịch sử trên chính quê hương như lăng mộ Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình, lăng mộ Nguyễn Tri Phương ở làng Chí Long hay lăng mộ Nguyễn Lộ Trạch ở làng Kế Môn...
 
Theo một nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, tên gọi phá Tam Giang không phải xuất phát từ việc hợp lưu 3 dòng sông Hương- Bồ- Ô Lâu mà lâu nay không ít người nhầm tưởng. Thực ta gốc tích của tên gọi này chính là do dòng Ô Lâu khi đổ ra phá ở Cửa Lác đã chia thành 3 nhánh sông nhỏ, gọi là Tam Giang…
 
Bạn tôi, một người đam mê sông nước đã chụp rất nhiều ảnh về Cửa Lác, chính là cửa sông Ô Lâu chảy ra phá Tam Giang. Qua thời gian, bây chừ chỉ còn lại 2 nhánh sông đổ ra phá. Có lẽ cái tên cửa sông này là cửa Lác vì ở đây loài cỏ lác mọc um tùm. Chim chóc bay về trú ngụ dày đặc trên những thảm cỏ lác xanh miên man hai bên biền sông, biền phá.
 
Mỗi lần đi trên chuyến đò dọc chiều ngang qua cửa Lác thấy từng đàn chim sải cánh rập rờn giăng kín cả mặt nước tìm tôm cá. Ngư dân sống bên con phá gần cửa Lác có nghề cắm câu không phải để bắt cá mà là bắt chim, chỉ qua một đêm là có đầy cả lồng chim to  mang đến chợ quanh vùng để bán.
 
Hồi trước khi hệ thống đập cửa Lác chưa được xây dựng kiên cố, mấy xã trong vùng thường tổ chức đi làm thủy lợi đắp đập cửa Lác để chống mặn. Rồi công trình thủy lợi cửa Lác được xây dựng kiên cố hoàn thành, kết hợp làm cầu giao thông nối những vùng quê hai bên bờ phá. Hai nhánh sông nhỏ chừ có hai cây cầu nhỏ bắc ngang. Còn nhánh sông thứ ba, theo những ngư dân ở đây thì do thời gian bồi lấp nên đã thành những ô ruộng biền ven sông. Sau cầu Thuận An, thì đây là chiếc cầu thứ hai bắc qua phá Tam Giang rồi sau đó không lâu mới có những chiếc cầu lớn hiện đại như cầu Trường Hà, cầu Ca Cút. Chỉ có điều, cầu cửa Lác là cầu trên đập thủy lợi nên hẹp chỉ dành cho người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ còn ô tô thì không qua được…Cửa Lác cũng là một điểm ngắm phá Tam Giang rất đẹp, nhất là vào những buổi sáng sớm hay chiều tà.
Qua cầu cửa Lác bữa ni không còn thấy chim chóc bay kín cả một vùng sông nước như năm nào, mà chỉ còn lơ thơ mấy chú cò, chú vạc lạc bầy đang kêu tìm bạn. Nhưng cửa Lác còn đó một món đặc sản, đó là con trìa nằm dưới đáy phá. Trìa có nhiều trên phá Tam Giang, nhưng ở cửa Lác là ngon nhất bởi vì đó là nơi giao thoa giữa hai làn nước ngọt và nước lợ…Phi Tân
Nguồn: www.trt.vn

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn