Thông báo về học bổng sinh viên
Quỹ giáo dục Huế Hiếu Học thông báo kế hoạch xét duyệt học bổng cho các em sinh viên quê Thừa Thiên Huế có...
ÔI ! GÁNH NẶNG HỌC TẬP !
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được nói lên vài suy nghĩ về một vấn đề có liên quan tới giáo dục - và tin rằng đây cũng là điều quan tâm chung của tất cả người Việt chúng ta hiện nay. Đó là “Việc quá tải trong học tập của con em ở lứa tuổi Tiểu và Trung học, đặc biệt ở các thành phố lớn của Việt Nam”. Từ đó thử đi tìm các nguyên nhân dẫn đến tệ trạng này, để rồi thử hình dung những hậu quả mà lứa tuổi này có thể sẽ phải gánh chịu trong tương lai.
Đọc bài viết có tựa đề : “Thứ ba học trò” của Hoàng Dục đăng trên nguoikemonblogspot.com tôi thật tâm đắc với ý tưởng của tác giả khi phải cảm thương cho lứa tuổi học trò hiện nay. Thật tội nghiệp cho các em, các cháu, lứa tuổi còn ham chơi, hồn nhiên, tâm hồn trong veo như pha lê, lại phải “học ngày học đêm, học thêm giờ nghỉ; học ba ca cả sáng, chiều và tối, từ học chính khóa đến phụ đạo”. Ngày ngày, kể cả Thứ Bảy và Chủ Nhật, các em không ngừng phải “chạy xô” từ trường đến trung tâm, rồi từ trung tâm đến nhà thầy giáo, cô giáo. Tính ra, hầu như các em phải làm việc 16 giờ mỗi ngày từ 6g sáng đến những 10g đêm.
Làm việc liên tục như vậy người lớn còn không chịu nỗi huống hồ là trẻ em. Về việc này, thầy cô giáo đều biết, nhà trường biết và cả phụ huynh đều biết. Nhưng đã bao năm ngành giáo dục cố “khắc phục”, cố giảm tải, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, không những không cải thiện được tình hình mà ngày càng tệ hại hơn. Tại sao lại như vậy?
a/ Nguyên nhân:
-Từ nhà trường và thầy cô giáo:
Do việc dạy thêm vào kỳ nghỉ hè tại trường cũng mang lại cho nhà trường và các thầy cô giáo một khoản lợi tức không nhỏ. Cũng bởi muốn tăng thu nhập mà một số thầy, cô giáo, bất chấp lệnh cấm, đang tìm đủ mọi cách dạy thêm tràn lan. Địa phương không quản nỗi thì nhà trường làm sao quản được thầy, cô giáo vốn cư trú và mở điểm dạy ở nơi khác, chứ không phải ở cùng địa bàn với trường?
“Bất hợp tác”, nhứt quyết không cho con em đi học thêm ư? Điều này rất khó. Bởi ở thời gian chính khóa, hoặc là vì chương trình quá tải, hoặc tệ hại hơn là do…vô tình của một số thầy cô, khiến bài giảng chỉ có tính qua loa, sơ sài, học sinh dù cố cũng chưa hiểu hết bài. Phải học thêm ở chính nhà cô, nhà thầy đang phụ trách môn học đó mới hiểu hết. Không thiếu những trường hợp, do “áp lực” của thầy, của cô mà các em buộc phải học thêm. Thậm chí còn trắng trợn đến nỗi: “Ba ơi, từ khi Ba cho con nghỉ học thêm môn Văn ở nhà cô, bài làm của con ở trường cô cứ cho điểm kém, điểm 0, dù con thấy mình so với các bạn, đã rất tiến bộ! Cô còn nhìn con với cặp mắt khó chịu, không còn thiện cảm như trước”…
Nói thẳng lên điều này, không phải người viết “vô cảm” trước cuộc sống vốn đang khó khăn của đại bộ phận giáo viên. Bởi trước đây, người viết cũng đã từng có thời gian sống trong ngành giáo. Nhưng việc tìm kiếm thu nhập có “danh chính ngôn thuận” hay không mới là vấn đề đáng quan tâm. Vả chăng trong ngành giáo hiện nay, bất cứ ở địa phương nào, vẫn không thiếu những thầy cô giáo có tấm lòng. Hãy về quê mà xem: lương bổng ở đây có khác gì ở thành phố, nhưng các thầy cô giáo ở đó vẫn chẳng ép học trò phải học thêm. Thậm chí như ở quê tôi, xã Điền Môn, Thừa Thiên Huế, thầy cô còn bỏ công phụ đạo cho học sinh kém mà chẳng lấy một xu nào. Tại học trò quá nghèo ư? Chưa chắc là họ đã nghèo hơn những người nghèo đang sống ở những khu ổ chuột của thành phố!
-Từ phía phụ huynh:
Phải nói rằng trình độ nhận thức của phụ huynh với nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn hiện nay, không hề giống nhau. Giới quan chức, gia đình khá giả có cách nhìn về giáo dục con cái khác với giới công chức, viên chức trung lưu, càng khác xa với giới lao động đang có cuộc sống vất vả. Nhưng có lẽ, tất cả đều vẫn biết về một sự thật hiển nhiên rằng con em họ đang bị buộc phải chạy theo một lượng học vấn quá nặng nề mà không có đường thối lui.
“Phải học thật giỏi, thật xuất sắc, mới hơn chúng bạn, mới có tương lai”. Đó cũng là suy nghĩ của không ít phụ huynh. Bởi tương lai là giành giật lấy tấm bằng, giành giật lấy một chỗ làm, một chỗ đứng trong xã hội, vốn ngày càng khó khăn với đất chật, người đông. Đó cũng là điều chính đáng. Nhưng học càng nhiều càng giỏi thì đó lại là điều nghe có vẻ viễn vông. Vậy mà các bậc phụ huynh vẫn cứ đua nhau ép con em mình phải học: nhà giàu thì tìm trường xịn, trung tâm xịn, thầy cô giỏi, nhà nghèo cũng đẩy con em mình tới trường này, trường nọ, tới thầy cô giáo, rồi học ngày học đêm…
Lại còn có một bộ phận không nhỏ phụ huynh, vì mưu sinh, vì công việc, phải thường xuyên vắng nhà, thì việc gởi gắm toàn bộ thời gian cho con em ở trường học, ở các trung tâm và thầy cô giáo lại là một “giải pháp” an toàn, không thể khác hơn, dù vẫn biết con em mình không thích và cũng không cần phải học thêm.
Như vậy, việc học thêm dẫn đến mức độ quá tải đối với học sinh bậc Tiểu và Trung học hiện nay thật ra đã không hẵn chỉ do từ phía nhà trường và thầy cô giáo như lâu nay xã hội vẫn than phiền, mà một phần chính là do phụ huynh muốn như vậy. Chính sự “đồng thuận”, tính “cộng hưởng” này đã làm cho tệ nạn dạy thêm học thêm ngày càng có đất tồn tại, đẩy con em chúng ta vào thế phải học, phải theo mà không còn sự chọn lựa nào khác.
b/ Hậu quả:
Căn cứ vào những đánh giá trong thực tiển qua thời gian, nhiều người đã đưa ra một sự so sánh rất hình tượng về “cuộc đua marathon trên con đường học vấn” giữa người Việt và người Mỹ như thế này:
-Bậc Tiểu học: Người Việt vượt xa người Mỹ.
-Bậc Trung học: Người Việt vẫn cho người Mỹ “hửi khói”
-Bậc Đại học: Người Mỹ bắt kịp người Việt.
-Sau Đại học: Người Mỹ vượt lên, đến đích và nhìn lui ...không thấy người Việt đâu cả!
Dẫu cho sự so sánh ấy có mang tính khôi hài đi chăng nữa, thì một thực tế không chối cãi là trong một cuộc đua đường dài, sức bền mới là chìa khóa để thắng cuộc. Người Việt chúng ta đã hăm hở và quá phí sức trong chặng đua đầu, mà lẽ ra phải là chặng đường “dưỡng sức” cho chặng giữa và chặng nước rút cuối cùng. Tình trạng quá tải của học sinh Tiểu và Trung học hiện nay phải chăng sẽ làm “đuối sức” các em khi bước lên đại học? Một hình ảnh rõ nét nhất, là khi các em học sinh Tiểu học ở Mỹ đến trường chỉ với một cây bút chì và một cuốn tập đơn sơ, thì ở Việt Nam, các em, các cháu phải ôm theo cả một chiếc cặp dày cộm, nặng trịch với biết bao là sách với vở. Tình trạng trẻ em Việt Nam và giới trẻ nói chung, ngày càng có số đông mang những loại bệnh về mắt, ngày càng có thể trạng yếu ớt và chiều cao thua sút với các nước trong khu vực, phải chăng một phần là do tình trạng quá tải trong học tập mà ra?
Và kết quả ra sao hẵn chúng ta đều thấy: người Việt chúng ta – giới trí thức với những thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay - thật khiêm tốn trong các công trình nghiên cứu có tầm cỡ – dẫu lâu nay có biết bao nhiêu học sinh, sinh viên giỏi đoạt các giải quốc tế được ca ngợi và biểu dương. Bởi cái đích của giáo dục không phải là để đoạt giải cho oai, cho người ta biết là mình học giỏi, mà là kết quả của việc học đó có đóng góp được gì cho xã hội, cho đất nước, hay mở rộng ra nữa là loài người không.
Như vậy, để “cuộc đua marathon học vấn” đạt được thành tích tốt, không có cách nào hơn là phải thay đổi “chiến thuật đua”. Nói khác, là phải có một chương trình học phù hợp cho mỗi lứa tuổi, tạo được sức bền cho người học. Trách nhiệm đó không những thuộc về những nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, mà còn là trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo và cả phụ huynh chúng ta nữa.
Đất nước muốn mạnh, phải có con người mạnh: mạnh cả về thể lực lẫn cả trí lực và tâm lực. Giáo dục phải nhận lãnh sứ mạng xây dựng và đào tạo nên những con người chuẩn mực như vậy, thì mới mong đất nước tiến xa, không còn tụt hậu. Và yêu nước không phải cứ chần chừ, lần lửa mà phải bắt tay thực hiện ngay những việc cần làm…
*NGUYÊN THANH Ảnh minh họa: sưu tầm
Quỹ giáo dục Huế Hiếu Học thông báo kế hoạch xét duyệt học bổng cho các em sinh viên quê Thừa Thiên Huế có...
Hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 31/12/2015 – Học bổng khuyến học của HĐH huyện Phong Điền tại Tp.HCM và...
Sau một thời hình thành và chính thức đi vào hoạt động, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Ban Khuyến học đã...