Đang tải...
 

Vài nét về văn hóa Làng Vĩnh Xương (tiếp theo)

Trải qua gần 500 năm lập làng lấy xã hiệu, làng Vĩnh Xương cũng là nơi sinh ra nhiều bậc khoa cử. Ngay từ khoa thi Hương năm 1841 đã có cụ Nguyễn Gia Thiện đỗ cử nhân, đến năm 1846 có cụ Nguyễn Gia Tú, năm 1848 có cụ Nguyễn Thế Toàn, năm 1864 có cụ Nguyễn Ý, năm 1867 cụ Trần Gia Thiện (Lưu Huệ), năm 1876 có cụ Trần Gia Hưu và cuối cùng năm 1878 có cụ Trần Gia Thụy.
Vài nét về văn hóa Làng Vĩnh Xương (tiếp theo)

Trải qua gần 500 năm  lập làng lấy xã hiệu, làng Vĩnh Xương cũng là nơi sinh ra nhiều bậc khoa cử. Ngay từ khoa thi Hương năm 1841 đã có cụ Nguyễn Gia Thiện đỗ cử nhân, đến năm 1846 có cụ Nguyễn Gia Tú, năm 1848 có cụ Nguyễn Thế Toàn, năm 1864 có cụ Nguyễn Ý, năm 1867 cụ Trần Gia Thiện (Lưu Huệ), năm 1876 có cụ Trần Gia Hưu và cuối cùng năm 1878 có cụ Trần Gia Thụy.

Khi nói về Vĩnh Xương thì nơi đây không phải là đất không sinh tài, nhưng chỉ chưa sinh ra những bậc vĩ nhân mà thôi. Trải hơn 140 năm triều Nguyễn (1802 - 1945) Vĩnh Xương có tới 7 ông Cử (cử nhân): trong đó có người đã làm tới chức Tổng đốc, Đông Các Đại học sĩ.

1. Nguyễn Gia Thiện (trước gọi là Tường): Thi Hương khoa Tân Sửu Thiệu Trị thứ nhất (1841) tại trường Thừa Thiên, làm quan tới chức Lang trung.

2. Nguyễn Gia Tú: Thi Hương khoa Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846), tại trường Thừa Thiên.

3. Nguyễn Thế Toàn: Thi Hương khoa Mậu thân, Tự Đức thứ 2 (1848) tại trường Thừa Thiên.

4. Nguyễn Ý: Thi Hương khoa Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864) tại trường Thừa Thiên. Làm tới chức  Hành Tẩu Nội Các.

5. Trần Gia Thiện (sau đổi là Lưu Huệ): Thi Hương khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ  20 (1867) tại trường Thừa Thiên.  Làm quan trải qua các chức: Tổng đốc Bình Phú, Tổng đốc Nghệ An, Quyền Bắc kì Kinh lược sứ, Thư hiệp Đại Học Sĩ, Tổng đốc Hà Yên.

6. Trần Gia Hưu (sau đổi là Tĩnh): Thi Hương khoa Bính Tý, Tự Đức 29 (1876) tại trường Thừa Thiên. Làm Biện lý Bộ Công.

7. Nguyễn Gia Thụy: Thi Hương khoa Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878) tại trường Thừa Thiên, làm Tả lý Bộ Binh.

Trải qua thời gian chiến tranh loạn lạc, nhất là kể từ khi thực dân, đế quốc đặt ách cai trị, chế độ khoa cử theo thể chế phong kiến dần bị tàn lụi. Ngay trong hoàn cảnh đó vẫn thấy xuất hiện những gương mặt ưu tú trong học tập thi cử, thành công trong giáo dục,hướng tới chân - thiện - mỹ đó là:

- Cố thượng tọa Thích Thiện Bảo (Trần Đình Huệ) phát tu từ chùa Tây Thiên – Thừa Thiên Huế. Tu tập và xây dựng ngôi chùa Đại Giác ở Đại Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

- Hòa Thượng Thích Chơn Như (Khai Sơn chùa Đông Lâm và chùa Báo Ân - Huế). Hòa thượng xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thế danh Nguyễn Tấn Thuyên, sinh năm Đinh Hợi, 1889, tại làng Vĩnh Xương, quận Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mùa hạ năm Mậu Tý, 1948, Hòa thượng thị tịch lúc 3 giờ ngày 04 tháng 05, trụ thế 59 năm, với 38 Hạ lạp, thuộc đời 42, phái thiền Lâm Tế.  Bảo tháp của Ngài hiện được tôn trí tại đồi thông chùa Từ Hiếu, Huế.

Tiếp đến là GS. TS Nguyễn Hoàng Phương cánh chim đầu đàn cùa khoa học tâm linh Việt Nam, ông đã thành công trên đỉnh cao của khoa học toán lý, ông  sinh ngày 27/03/1927, mất ngày 24/03/2004. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là đội viên Đội biệt động dân quân, sau đó là đội viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông có tư chất rất dũng cảm, thông minh, và lãng mạn, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng hành trang của ông luôn đầy đủ ba thứ đó là: cây súng, cây sáo và cuốn sách Toán. Từ sau năm 1954 ông dạy  Đại học Sư phạm Hà Nội, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Ông được đề bạt Chủ nhiệm Khoa Vật lý, là thầy của hầu hết  những thế hệ nhà vật lý của Việt Nam sau này. 

Thứ ba là PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền , người con gái trưởng của ông Trần Lưu Hân ( đời thứ 15 họ Trần Đình Vĩnh Xương ) . Ông Trần Lưu Hân là kĩ sư vô tuyến điện , trước năm 1945 ông là Hiệu trưởng trường tư thục Chu Văn An do ông thành lập. PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền là mẹ của GS Ngô Bảo Châu , bà là học sinh giỏi văn những năm 1963-1964 , kỹ sư hóa , tiến sĩ dược học . Bà công tác ở Viện Y học cổ truyền Trung ương . Từ một nhóm cán bộ làm công tác nghiên cứu ; bà cùng cộng sự xây dựng và trở thành người lãnh đạo Phòng thí nghiệm nghiên cứu Đông y . PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền chủ trì thực hiện thành công và được đánh giá cao nhiều dự án , đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ y tế và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luân án tiến sĩ.

Ngoài ra còn có nhiều danh nhân khác đã thành công  trên con đường khoa học ngày nay như PGS. TS y học Nguyễn Văn Tập….và điều đáng mừng là số lượng các em học sinh thi đỗ Cao học, Đại học – Cao đẳng trong thời gian gần đây rất đông, đó chính là biểu hiện của truyền thống hiếu học chí tiến thủ của người dân nơi đây.

 

    3. Đa dạng trong ngôn từ, hòa đồng trong đời sống:

     Văn hóa trong một khía cạnh được hiểu  là sinh hoạt. Tức văn hóa là tổng thể những hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần do con người tạo nên trong quá trình hoạt động của mình. Nó có thể là một nền văn hóa phát triển cao, tạo ra một nền văn minh. Có thể là một vùng văn hóa, đặc trưng cho một vùng – miền nhất định, là một sắc thái văn hóa, đặc trưng cho từng dân tộc.Nó có thể là một nét văn hóa, đặc trưng cho khía cạnh văn hóa nhỏ hơn. Cũng có thể là một điểm văn hóa hay một phong cách sống, một phong thái văn hóa đặc trưng cho mỗi miền nhỏ hay mỗi một làng xã.

       Ngôn từ  cũng là mặt biểu hiện của văn hóa, cho nên Vĩnh Xương cũng có từ điển riêng. Chẳng hạn như khi  người Vĩnh Xương nói “bà lơn” thì phải hiểu đó là (cà giỡn), bổ (té), bợ khu (nịnh nọt), bụ nậy (vú to), khu đại chang (mông rất to), cấy chờn (cái giường), khôn can chi mô (không hề gì đâu), cấy dôn (vợ chồng), chùm hum (khom lưng), côi-đưới (trên dưới),  đập chắc (đánh lộn) hay lộ khu (lỗ đít), trốt cúi (đầu gối), một chắc (một mình), nót lốn (nuốt không cần nhai), v.v và v.v…

 

KẾT LUẬN

Trải qua hơn 5 thế kỉ hình thành và phát triển, Vĩnh Xương đã tạo ra cho mình một nét văn hóa riêng  trong cái đa dạng của văn hóa Việt. Khi tìm về văn hóa làng xã chúng ta thấy những điểm tương đồng với văn hóa dân tộc, có những thứ mà chúng ta có thể thấy được trong cái chung của người Việt, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên, lịch sử xã hội khác nhau đã tạo nên những nét sai khác trong văn hóa từng vùng miền, từng bộ phận làng xã. Điều này chứng minh tính đúng đắn trong nhận định, văn hóa Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”./.

 

               *NGUYỄN THÚY – PHẠM NHÂN ĐỨC

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn