Khỉ và năm Thân
Con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu; dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung...
GIÓ VÀ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM
Đọc Quê hương tôi của Tràng Thiên (NXB Thời Đại, 2012), người đọc sững sờ bởi những khám phá bất ngờ của nhà văn trước những sự vật quen thuộc của quê hương.
Với tôi, trước đây những sự vật ấy quen đến nỗi từ bình thường tưởng như hóa ra tầm thường. Thì nay, qua những trang viết thấm đượm tình yêu và niềm tự hào về quê hương, nhà văn đã cho tôi một góc nhìn mới. Những trang viết giản dị mà hài hòa lí tình của Tràng Thiên đã đẩy tôi vào giữa những con sóng tâm trạng từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước cái đẹp ẩn dấu trong tạo vật quê nhà. Một trong những cái đẹp ấy là cái đẹp của chiếc áo dài Việt Nam qua hai tùy bút Chiếc áo dài và Lại chiếc áo dài.
Không biết chiếc áo dài Việt Nam chào đời trong bối cảnh lịch sử cụ thể nào. Người ta bảo, áo dài ra đời từ thời chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Có người yêu truyền thuyết nên tự hào nó ra đời từ Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận (40-43). Ngồi trên mình voi, những tà áo dài của các bà bay bay…đẹp như truyền thuyết, đẹp như huyễn mộng! Nhưng tìm xem sử sách thì chẳng thấy ai mạnh miệng mà khẳng định nó ra đời trước câu ca dao:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mặc quần chồng sao đang
Xin đừng ngờ ở cái lí này. Và cũng đừng hoài nghi câu ca dao chỉ than thở chuyện vua triều Nguyễn cấm mặc váy thì có liên quan gì đến chiếc áo dài. Nhưng hãy hình dung có ngộ không khi một người phụ nữ diện chiếc áo dài với… váy! Mà thôi, hãy để các nhà lịch sử, các nhà văn hóa học làm cái điều của họ làm. Còn tôi, tôi chỉ làm điều mình đang thấm thía: Chiếc áo dài, gió và văn hóa trong những trang văn của Tràng Thiên.
Tôi đã lớn lên sau vạt áo lam của mẹ khi đến chùa. Tôi đã từng có những phút giây hóa thân “trụ điện” trước những cô nữ sinh trong áo dài trắng đến trường. Nhưng tôi chưa bao giờ tinh tế nhận ra, chiếc áo dài Việt Nam đẹp vì Do nó có gió như lời nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm khi đi dự hội chợ ở Osaka về mà Tràng Thiên dẫn trong văn ông. Gió ở đâu trong áo? Hay áo sinh ra gió? Khi nào và như thế nào áo mới có gió? Trả lời những câu hỏi đó thì mới thật là người cảm nhận cái đẹp một cách tinh tế.
Tôi không được là người như thế, nên từ cái nhìn so sánh của Tràng Thiên mới thấy được chiếc áo dài Việt Nam đẹp bởi vì nó có gió. Nhà văn đã trưng ra trước mắt tôi hình ảnh một phụ nữ phương Tây mặc chiếc áo dài truyền thống của dân Việt. Tôi cảm thấy rất lạ lùng. Tôi đã từng thấy những phụ nữ phương Tây đội nón lá, mặc áo dài Việt Nam. Tôi yêu họ bởi họ thân thiện với người Việt, văn hóa Việt qua trang phục ấy. Thế nhưng khi đọc văn Tràng Thiên, tôi lại ngớ người ra. Tôi cảm giác như nhà văn tủm tỉm cười và bảo: phụ nữ Tây mặc áo dài thân hình của họ, dáng đi của họ toa rập nhau giễu cợt chiếc áo dài của ta. Hãy xem họ đi đứng mạnh bạo quá, gấp gáp quá. Ở những người cao lớn bước đi như thế, những chiếc áo dài sẽ nhảy tưng tưng vội vã một cách thảm hại. Rồi nhà văn chỉ cho tôi thấy chiếc áo dài hợp vóc dáng mảnh dẻ, “điệu gầy như mai” của người phụ nữ Việt Nam. Cái điệu gầy của nữ tính phù hợp với tính nữ của chiếc áo dài đã được đúc kết trong tục ngữ Trung Hoa: “Tần phì Việt sấu” (nôm na là Tần béo Việt gầy). “Việt sấu” nên cái thướt tha của áo dài mới thích chọn khoác lên vóc hình mảnh mai ấy. Chỉ có mảnh mai mới hài hòa với cái thướt tha mới tạo ra gió… Và theo Tràng Thiên, để có thể phe phẩy nhẹ nhàng, nghĩa là có gió, chiếc áo dài thích chọn một dáng đi uyển chuyển hơn. Thích cái dáng đi uyển chuyển để tôn vinh cái hồn của mình, áo dài có thể tìm đâu khác ngoài vẻ đẹp mình hạc xương mai của phụ nữ Việt. Xem ra, chiếc áo dài với người phụ nữ Việt vốn có duyên khắng khít với nhau. Manh miệng hơn thì bảo, trời sinh ra người phụ nữ Việt với áo dài là một cặp đôi hoàn hảo.
Cũng có thể như thế thật. Tràng Thiên đã viết về tính cặp đôi ấy bằng câu văn tràn đầy niềm tự hào và yêu thương. Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thoát. Cái lí nêu ra ở câu trước có lẽ miễn bàn, nhưng câu sau, hình như cái lí ấy có chút lung lay. Mà hề gì. Nhà văn yêu chiếc áo dài nên nói quá một chút thì cũng chẳng sao. Ai yêu mà không dành cho đối tượng mình yêu những lời có cánh hay ngợi ca quá lời. Dù có nói quá, nhưng nhà văn đã khẳng định bản chất của chiếc áo dài là đẹp-cái đẹp của gió. Nó đã đem cái đẹp của nó, ngọn gió của nó mà tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Người con gái Việt Nam linh động hẵn lên nếu mặc áo dài mà đi, mà múa v.v…
Nét thướt tha của áo dài là cơn gió mong manh. Gió thướt tha nên dáng đi, điệu múa của người mặc áo mềm hẵn đi và lâng lâng như gió mơn man làm khuôn mặt lung linh trong gió. Nếu đồng tình với lí lẽ này, ta mới thấy Tràng Thiên nói về chiếc áo kimono của phụ nữ Nhật không phải không có lí, dù có chút không hay vì chê người mà khen mình. Kimono của phụ nữ Nhật danh tiếng nhưng là một công trình xếp đặt kĩ quá, khéo quá, che lấp hẳn thân người; rốt cuộc không còn đâu là thân người nữa. Đường nét tự nhiên bị xóa mất cả. Thân người chỉ còn như là cái cớ cho sự xây dựng một công trình mĩ thuật. Vậy thì, chỉ có áo dài Việt và phụ nữ Việt mới là một cặp đôi sinh ra để sống với nhau, làm đẹp cho nhau.
Say sưa quá lắm lúc cũng không có lợi cho cảm thụ văn chương. Nhưng nếu không say làm sao cảm thụ được. Tôi say cái gió, làn gió, điệu gió, nét gió,…của chiếc áo dài dân tộc trong trang viết của Tràng Thiên. Qua những tùy bút của ông, tôi cảm nhận nét đẹp văn hóa của chiếc áo dài. Nhưng chiếc áo dài không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là tinh hoa mĩ học và tư tưởng của người Việt. Đó là khi Tràng Thiên so sánh chiếc áo dài và chiếc mini-jupe. Trang phục mà như mini-jupe, thì ấy là một cuộc phi nước đại trở về với tự nhiên, gợi lên những ham muốn trực tiếp vào “tòa thiên nhiên”, là một chối bỏ văn hóa. Hay: Trang phục mà như chiếc kimono Nhật thì là một sự quá trớn của văn hóa. Kimono không có gió, mini-jupe không có gió, nếu có chỉ gợi gió tục, gợi gió xiêu xiêu lơi lả trong lòng người ngắm. Kimono không khai thác cái đẹp của thân người, mini-jupe lại khai thác mạnh tay cái đẹp thân người. Mà như Tràng Thiên nói: Thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục.
Vậy cái áo dài thì thế nào! Chiếc áo dài là cái đẹp hài hòa, tinh tế, duyên dáng đúng như quan niệm mĩ học của Việt Nam. Chiếc áo dài không gợi cái tục bởi Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người. Cái nhìn như thế có lạ không! Tràng Thiên lí giải tiếp: Nhìn vào người phụ nữ mặc áo dài, sau khi bị kích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy …gió! Vâng! Ở đây chỉ thấy có gió (…), có cái thướt tha, có cái bay bướm mà thôi. Đến đây, thì tôi hiểu, chiếc áo dài không đem lại cho người ngắm sự thoát tục, nhưng cũng không dìm người xem vào hệ lụy của cái tục. Chiếc áo dài làm cho người xem lâng lâng một thứ xúc cảm hàng hai không tục không thanh để biết yêu thêm cuộc đời, yêu thêm con người, yêu thêm văn hóa Việt. Và chiếc áo dài chỉ có gió đó là tư tưởng con người và vũ trụ hợp nhất. Bởi chỉ hợp nhất mới có gió.
Chiếc áo dài và Lại chiếc áo dài là hai tùy bút thú vị của Tràng Thiên. Tôi yêu trang văn ông, càng tự hào về chiếc áo dài vừa mang vẻ đẹp văn hóa Việt vừa tôn vinh vẻ đẹp người co gái Việt. Nhưng có những lúc ngồi một mình, tôi cảm giác ngày nay, đội quân váy đang áp đảo, bao vây chiếc áo dài. Và nhiều lúc thấy buồn vì người ta đã có lúc thô bạo với áo dài trong kiểu thiết kế và nhất là trong ứng xử với nó khi mặc nó. Chiếc áo dài có tội tình gì đâu khi nó làm đẹp cho người phụ nữ, khi nó là văn hóa Việt Nam.
Chỉ mong cầu, chiếc áo dài Việt Nam mãi đẹp bởi Do nó có gió! Vậy nên, xin ai dù có thế nào cũng đừng đánh mất gió của chiếc áo dài dân tộc.
*HOÀNG DỤC
(trong “Phải lòng câu chữ”- NXB Hội Nhà văn -2013)
Hình ảnh minh họa: nguồn internet
Con người ngày nay, dù là ở Á, Âu, Phi, Mỹ hay Úc châu; dù là da trắng, da vàng hay da đen, da đỏ, đều có chung...
Đứng trước ngọn gió Nồm, lúc nào con người và vạn vật cũng có cảm giác dễ chịu. Đó chính là tình huống...
Ơi hỡi gió, thổi chi nhiều rứa hử ?!. Ừ, Phong Điền-“ Đồng Gió”, gió mênh mang… Chỉ trách mây giang hồ mơ...